Theo 5 cựu nhân viên của YouTube, loại bạo lực này chưa từng xảy ra trong lịch sử 13 năm của YouTube, mặc dù Aghdam không phải là người duy nhất "tức giận và hoang tưởng" trong số hàng triệu người tạo và đăng video lên YouTube. Trong các cuộc phỏng vấn độc quyền, nhiều cựu nhân viên YouTube chia sẻ với trang Business Insider rằng, ngay từ những ngày đầu tiên của YouTube, nhiều người sáng tạo nội dung thất vọng với những thay đổi chính sách của YouTube đã đe dọa các nhân viên.
Thông thường họ dọa dẫm qua email. Có một lần, một người đã gặp trực tiếp nhân viên YouTube và thề sẽ "tiêu diệt" anh ta. Một lần khác, một người đàn ông tức giận vì tài khoản bị đình chỉ, đã dọa sẽ làm hại Mia Quagliarello, một nhà quản lý của YouTube, và gia đình cô. Quagliarello cho biết YouTube đã nhận thấy mức độ nghiêm trọng, và cử một người bảo vệ có vũ trang bên ngoài nhà cô trong ba ngày.
Trước khi vụ Aghdam xuất hiện, tất cả các mối đe dọa chỉ là đe dọa. Tất cả nhân viên được phỏng vấn đều nói họ không biết khi nào các YouTuber sẽ gây hại cho nhân viên YouTube. Những dấu hiệu về việc Aghdam có thể tấn công quá quen thuộc trong xã hội Mỹ.
Thực tế, hiện tượng bất mãn và dọa dẫm như vậy không phải mình YouTube gặp phải. Ít nhất ba trong số những người được phỏng vấn từng làm việc tại một số mạng xã hội hàng đầu khác nói rằng họ cũng bị đe dọa như vậy.
Khi các dịch vụ trực tuyến như Facebook, YouTube và Snapchat trở thành những nền tảng phổ biến với công chúng, thì việc cung cấp công cụ và động cơ tài chính để mọi người có thể xây dựng sự nghiệp và trở thành những ngôi sao mới nổi, tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Một cựu nhân viên của YouTube yêu cầu giấu tên cho biết: "Khi bạn có một nền tảng phục vụ mọi người, sẽ có những người cảm xúc thất thường. Cứ mỗi lần thay đổi chính sách hay thuật toán, chúng tôi đều nhận được rất nhiều email, một số email rất hợp lý. Nhưng có một số email rất vô lý".
Trong trường hợp của YouTube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, công ty do Google sở hữu nổi tiếng là "lò" sản xuất "sao". Bất kỳ ai có khả năng thu hút người xem đều có cơ hội nổi tiếng và nhận doanh thu quảng cáo. Khi số lượng người theo dõi tăng và doanh thu tăng, cơ hội cho các nhà quay phim nghiệp dư cũng tăng lên. Những năm gần đây, điều này khiến ngày càng có nhiều người trở nên phụ thuộc về tài chính và nỗi buồn vui vào YouTube.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi có sự cố? Thông thường trong lịch sử YouTube, các nhà quản lý luôn cố gắng cải tiến trang web. Đôi khi những thay đổi này làm các "ngôi sao" bị giảm lượng người xem và quảng cáo.
Nasim Aghdam, người đã gây ra vụ thảm sát bằng súng tại trụ sở YouTube ngày 3/4 vừa qua
YouTube đã trải qua những lần như trên trong ít nhất chín năm, từ thiết kế ban đầu vào năm 2009. Mặc dù lúc đó YouTube không chính thức chia sẻ doanh thu quảng cáo với các nhà sáng tạo video, nhưng số lượt xem video cũng mang lại không ít niềm vui và giá trị cho những người đang tìm kiếm sự nổi tiếng. Sau khi một quản lý sản phẩm của YouTube xuất bản bài đăng trên blog về việc thay đổi trang chủ năm 2009, anh ta đã phải hứng chịu "gạch đá", với những bình luận tức giận ở phần nhận xét, và có ít nhất một đe doạ giết.
Các nhân viên cũ của YouTube nói những trường hợp như vậy rất nhiều, nhiều người cố đổ sự tức giận lên đầu các nhân viên YouTube.
Eric Meyerson, cựu giám đốc bộ phận quảng cáo và marketing của YouTube, cho biết một người tạo video đã tiếp cận anh trong một sự kiện hồi năm 2013 tại văn phòng của Google ở Santa Monica, California.
Meyerson, làm việc cho YouTube từ năm 2010 đến năm 2013, kể ằng: "Ông ấy (người tạo video) thực sự trông rất tệ. Ông ta nói nếu tôi tiếp tục "fucking" kênh của ông ta, ông ta sẽ giết tôi, sẽ khiến tôi bị thương".
Một năm trước, nhiều thông tin cho thấy quảng cáo của các công ty lớn xuất hiện trên các video YouTube của các nhóm khủng bố và các bình luận thù hằn. YouTube đã phản ứng bằng cách lên chiến dịch thanh trừ các video này. Các clip của Aghdam, chủ yếu tập trung vào thể dục và quyền động vật, đã bị cuốn vào quá trình thanh trừng này. Cô tuyên bố chính sách mới được thiết kế nhắm vào cô.
Kiểu suy nghĩ này có vẻ hoang tưởng nhưng nó không hiếm trong cộng đồng những người sáng tạo video YouTube. Mặc dù đa số mọi người phản ứng với những thay đổi trên YouTube một cách hợp lý, nhưng vẫn luôn có những người luôn cảm thấy "thuyết âm mưu" và cho rằng mọi bước đi của ban lãnh đạo Youtube là nhằm vào họ.
Một cựu nhân viên yêu cầu giấu tên, cho biết mặc dù anh chưa bao giờ chứng kiến bạo lực, song anh đã nhiều lần bị "buộc tội". Anh nói mọi người lảng vảng chờ bên ngoài văn phòng YouTube để gặp nhân viên YouTube, và nói những thay đổi trên trang chủ hoặc các thuật toán ảnh hưởng đến họ.
Rõ ràng các mối đe dọa như vậy rất phổ biến, đủ để Google phải thực hiện quy trình bảo vệ nhân viên. Cả Meyerson và Quagliarello đều nói rằng họ cảm thấy an toàn tại trụ sở YouTube và đội an ninh của công ty đã thực hiện công việc này một cách nghiêm túc. Một người giấu tên rất hoan nghênh những nỗ lực của Marty Lev, cựu phó chủ tịch bộ phận an ninh tại Google, người đã rời công ty vào năm 2016 và hiện là giám đốc an ninh tại Amazon Web Services.
Bất kể YouTube đã thực hiện các bước bảo vệ an ninh thế nào, nhưng từ giờ YouTube sẽ phải bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa. Alphabet đã nói như thế sau vụ tấn cuộc của Aghdam, rằng họ sẽ tăng cường an ninh.
Khi được hỏi liệu cô có buồn khi lái xe qua trụ sở YouTube và thấy trụ sở giống như một cái "lô-cốt", Quagliarello, một cựu quản lý của YouTube, nói: "Điều đó làm tôi buồn, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ chúng tôi cần thắt chặt an ninh hơn nữa tại Silicon Valley. Tôi cảm thấy chúng tôi khá thoải mái, dễ chịu khi ở đây. Nhưng thật không may, tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải khóa chặt cửa lại để đảm bảo an toàn".
">“Tôi sẽ giết anh”: Nhân viên YouTube bị dọa giết 'nhiều như cơm bữa'