Ông Diêu Kỳ Trí (1946) sinh ra ở Thượng Hải,àkhoahọchàngđầuMỹrờibỏhàoquangvềnướccốnghiếntuổgiá vàng chỉ hôm nay 3 tuổi cùng gia đình chuyển đến Ðài Loan. Bố ông là nhà Toán học nổi tiếng Diêu Đồng Sinh, mẹ là kỹ sư giỏi. Do đó, trong quá trình trưởng thành của ông, bố mẹ không chỉ là người thầy đầu tiên, còn là bạn đồng hành.
Từ nhỏ, ông có niềm yêu thích đặc biệt với Toán học và Vật lý, nên dành nhiều thời gian nghiên cứu và giải bài. Thời trung học, ông tham gia các cuộc thi Toán và giành được nhiều giải thưởng.
Lên cấp 3, ông học tại Trường Trung học phổ thông Đệ Nhất Đài Bắc hay còn gọi là Đệ Nhất Trung học. Đây là nơi hội tụ những học sinh xuất sắc về Toán và các môn khoa học. Chương trình giảng dạy tiên tiến của trường giúp ông phát huy hết tài năng bản thân.
30 năm cống hiến ở nước ngoài
Năm 1967, ông tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, ông học thạc sĩ (1967-1969) và tiến sĩ (1969-1972) Vật lý tại Đại học Harvard. Sau cuộc gặp gỡ với người bạn năm 1973, ông quyết định học tiến sĩ Khoa học máy tính. Năm 1975, ông lấy bằng tiến sĩ thứ 2 tại Đại học Illinois (Mỹ).
Từ năm 1975 - 1981, ông làm trợ lý giáo sư Viện Công nghệ Massachuset (MIT) và Đại học Stanford. Tháng 9/1981, ông được bổ nhiệm làm giáo sư khoa Khoa học máy tính tại Đại học California và quay lại Stanford vào tháng 10/1982.
Tháng 7/1986, ông được mời đến Đại học Princeton với vai trò giáo sư thỉnh giảng. Năm 1998, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. 2 năm sau, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ.
Với những đóng góp nổi bật cho Lý thuyết điện toán, bao gồm tạo số ngẫu nhiên, mật mã học và độ phức tạp giao tiếp, năm 2000, ông được Hiệp hội Khoa học Máy tính quốc tế (ACM) trao Giải thưởng Turing. Ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên nhận giải này.
Rời bỏ hào quang về nước cống hiến
Là nhà khoa học máy tính hàng đầu ở Mỹ và nổi tiếng thế giới, nhưng năm 2004, ông vẫn rời bỏ hào quang sau gần 30 cống hiến. Giáo sư xin từ chức tại Đại học Princeton để về nước theo lời mời của Đại học Thanh Hoa.
"Lòng yêu nước là lý do tôi trở về. Tôi hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương. Bởi đây là tâm nguyện của tôi", ông chia sẻ.
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông đột ngột về nước gây nhiều tranh cãi. Người ủng hộ cho rằng, sự trở về của ông có ý nghĩa quan trọng với ngành Khoa học máy tính nước nhà. Ngược lại, bộ phận không đồng tình nói rằng, giáo sư hết thời ở Mỹ nên về nước tìm lại hào quang tuổi trẻ.
Trước những tranh cãi, ông cho hay: "Tôi muốn bồi dưỡng những tài năng khoa học máy tính đẳng cấp cho quê hương. Với tôi, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Tôi nghĩ Trung Quốc cần có nhiều tài năng hơn".
Về nước, ông cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và nghiên cứu. Năm 2004, ông thành lập Chương trình đào tạo tài năng Khoa học máy tính(lớp Yao) tại Đại học Thanh Hoa, với mục tiêu xây dựng 'tuyến đường cao tốc nhanh nhất từ trước đến nay', vừa đẩy mạnh giảng dạy và nghiên cứu, song song là đổi mới ngành.
Hiện tại, đây là chương trình đào tạo nhân tài trẻ trong lĩnh vực máy tính hàng đầu Trung Quốc, chỉ tiêu 30 thí sinh/năm. Tại đây, giáo sư Diêu Kỳ Trí đảm nhận việc soạn thảo chương trình giảng dạy, tuyển giáo viên và tham gia tuyển sinh.
Đối với môn Toán ứng dụng máy tính, Mật mã hóa và Điện toán lượng tử,.. ông trực tiếp đứng lớp. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà khoa học máy tính trong và ngoài nước đến đây giảng dạy.
Ông chia sẻ, đây là mô hình giáo dục cởi mở và mang tính khám phá, với triết lý: "Hướng theo sở thích, tùy vào khả năng và thúc đẩy đổi mới". Kết quả có nhiều sinh viên đạt huy chương Vàng các cuộc thi quốc tế Tin, Toán và Khoa học và Kỹ thuật Máy tính. Sau này, họ cũng là nghiên cứu sinh các trường như: MIT, Đại học Stanford, Princeton và Harvard…
Một số nhà khoa học máy tính nổi tiếng bước ra từ lớp Yao gồm: Giáo sư Lý Phi Phi - Giám đốc khoa học trí tuệ nhân tạo Google Cloud, Tôn Kiếm - Trưởng nhóm nghiên cứu Microsoft Research Asia, giáo sư Trương Lượng - Phó khoa Khoa học máy tính tại Đại học Thanh Hoa…
Ông nhận định, khoa học máy tính là ngành 'trẻ' đầy hứa hẹn. "Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh đang chờ chúng ta khám phá, các vấn đề lớn cũng cần giải quyết. Tôi tin ngành này sẽ mang đến nhiều bất ngờ và lợi ích cho nhân loại. Nó sẽ thay đổi lối sống và cách suy nghĩ của chúng ta".
Sau thành công của chương trình đào tạo tài năng trẻ Khoa học máy tính, năm 2010, ông tiếp tục thành lập Viện Khoa học Thông tin liên ngành tại Đại học Thanh Hoa. Từ đó đến nay, giáo sư Diêu Kỳ Trí vẫn giữ chức viện trưởng.
Ngoài ra, ông còn mở lớp nâng cao về AI và thông tin lượng tử. Ông nhận định, tương lai Trung Quốc có khả năng ghi 'tên tuổi' trong lĩnh vực công nghệ lượng tử và AI. Năm 2020, giáo sư cho ra mắt SGK AI dành cho học sinh trung học.
Ở tuổi 78, ông vẫn duy trì làm việc hơn 10 tiếng/ngày, lên lớp 4 tiếng/tuần và ra nước ngoài giảng dạy 10 lần/năm. Giáo sư vẫn đam mê nghiên cứu và giảng dạy về Khoa học máy tính. Ông không ngừng tìm kiếm sáng tạo và học hỏi kiến thức, công nghệ mới.
Khi được hỏi kế hoạch và mục tiêu tương lai, ông cho hay: "Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm những gì mình thích, mình giỏi và những thứ tôi cho là ý nghĩa".
Các giải thưởng nhà khoa học máy tính Diêu Kỳ Trí nhận được sau 50 năm cống hiến:
- Năm 1982, ông nhận Giải thưởng ACM SIGACT của Hiệp hội Máy tính Mỹ vì công trình nghiên cứu Lý thuyết phức tạp tính toán mang tính đột phá.
- Năm 1986, ông nhận Giải thưởng George Pólya về Toán ứng dụng vì những đóng góp xuất sắc cho Lý thuyết phức tạp tính toán.
- Năm 1996, ông nhận được giải thưởng Knuth vì những đóng góp cơ bản cho Lý thuyết tính toán, bao gồm: Lý thuyết phức tạp, tạo số ngẫu nhiên giả và tính toán song song.
- Năm 2021, giáo sư nhận Giải thưởng Kyoto về Công nghệ Tiên tiến vì những đóng góp tiên phong cho nền tảng Lý thuyết mật mã hiện đại và tính toán phân tán.
Một trong những đóng góp lớn nhất của ông phải kể đến công trình nghiên cứu Nguyên lý Min-Max - quy tắc quyết định Lý thuyết trò chơi và điện toán sau này. Ông Aleks Kisinger - Phó giáo sư ngành Máy tính lượng tử tại Đại học Oxford cho rằng: "Những công trình nghiên cứu của giáo sư Diêu Kỳ Trí mang đến những cách nhìn mới mẻ về thuật toán".