Sinh viên Trung Quốc gian lận, đại học Mỹ vẫn kiêng dè
Tại ĐH bang Ohio,ênTrungQuốcgianlậnđạihọcMỹvẫnkiêngdè2. năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc làm bài thi hộ các bạn đồng hương để nhận tiền.
Tại ĐH California, Irvine, một số sinh viên quốc tế dùng mẹo mất thẻ ID để người khác ngồi thế mình trong kỳ thi.
Tại ĐH Arizona, một giáo sư cho biết những sinh viên người Trung Quốc có nhiều câu trả lời sai giống nhau.
Làn sóng sinh viên nước ngoài tới Mỹ học tập đang giúp cải thiện tình hình tài chính của các trường đại học. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng mâu thuẫn với giá trị cơ bản của giáo dục Mỹ: sự liêm chính trong học thuật.
Armaan Mehta (áo xanh cầm laptop) - sinh viên Mỹ và Lanqing Wang tới từ Thượng Hải đang tranh luận về vấn đề gian lận ở sinh viên quốc tế trên giảng đường Georgia Tech |
Một phân tích dữ liệu của tạp chí Wall Streettới từ hơn một chục trường đại học công lập của Mỹ cho thấy, trong năm học 2014-2015, những trường này ghi nhận cứ 100 sinh viên quốc tế thì có 5,1 vụ gian lận. Trong khi con số này ở sinh viên Mỹ là 1/100.
Sinh viên Trung Quốc được nhiều giảng viên nêu tên nhất. “Gian lận của sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là những sinh viên có kỹ năng ngôn ngữ kém, là một vấn đề lớn” – Beth Mitchneck, giáo sư địa lý và phát triển ở ĐH Arizona cho hay.
Theo số liệu từ Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, vào cuối năm học này, có 586.208 sinh viên quốc tế (hệ đại học) hiện đang theo học các trường đại học, cao đẳng ở nước này. Hơn 165.000 sinh viên tới từ Trung Quốc. Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út là 2 quốc gia đứng thứ 2 với 50.000 sinh viên mỗi quốc gia. Ấn Độ đứng thứ 3 với 23.500 sinh viên.
Các giảng viên và sinh viên được phỏng vấn cho rằng dường như nhiều sinh viên quốc tế không hiểu hoặc không chấp nhận những tiêu chuẩn về sự liêm chính trong học thuật của giáo dục Mỹ.
Tại ĐH Arizona, các nhân viên phải làm việc rất vất vả để giải thích điều này với sinh viên quốc tế, nhưng “sinh viên của chúng tôi không phải lúc nào cũng hiểu đạo văn là gì” – Chrissy Lieberman, phó hiệu trưởng phụ trách bộ phận sinh viên cho hay.
Paidi Shi – phó chủ tịch Hiệp hội Học giả và sinh viên Trung Quốc ở ĐH California, San Diego không đồng ý rằng việc gian lận ở đất nước cô là không vấn đề gì, nhưng cô nói, “ở Trung Quốc, văn hóa của chúng tôi đặt rất nhiều áp lực với học sinh. Chúng tôi có xu hướng tìm đường đi tắt để đạt điểm tốt”.
Qingwen Fan – chủ tịch Hiệp hội Học giả và sinh viên Trung Quốc ở ĐH California, Davis thì cho rằng một số sinh viên ở Trung Quốc đã quá vất vả khi ở trường trung học và khi lên đại học, “họ muốn xả hơi. Họ bận rộn với những mối quan hệ xã hội và những thứ mà họ bỏ lỡ trước đó. Họ bắt đầu gian lận. Đó là một kiểu văn hóa”.
Shi cho biết Hiệp hội của cô đang lên kế hoạch khởi động một chiến dịch truyền thông xã hội để giải quyết vấn đề này vào mùa thu tới.
Một tấm biển trong phòng học của Georgia Tech đề nghị sinh viên không gian lận |
Trong khi đó, cả các trường đại học tư và công của Mỹ đều chào đón sự gia tăng đột biến của sinh viên nước ngoài – những người thường trả học phí và các chi phí khác cao gấp 2-3 lần sinh viên trong nước. Ở nhiều đại học công, số tiền này giúp bù đắp cho việc giảm các khoản trợ cấp của Chính phủ.
Các trường hợp gian lận có thể bị xử phạt theo nhiều mức độ: từ điểm F cho tới đình chỉ học hoặc đuổi học.
Ở ĐH Arizona – nơi ghi nhận cứ 100 sinh viên thì có 11 vụ gian lận vào năm học 2014-2015 (trong khi sinh viên Mỹ là 1,8/100), không có sinh viên nào bị đuổi học trong năm học này, và chỉ có 2 người bị đình chỉ - thông tin từ phía nhà trường cho hay.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng ai đó sẽ làm phép tính họ sẽ mất bao nhiêu học phí nếu mạnh tay với những sinh viên gian lận” – bà Mitchneck, giáo sư địa lý khẳng định.
Ở ĐH Purdue, ông David Sanders – một lãnh đạo trong ban giám hiệu của trường – vừa thực hiện nhiệm vụ đọc 4.000 bài luận của các ứng viên. Ông nói rằng đã thấy những bản “copy” của học sinh Trung Quốc.
“Tôi không thể nói cho bạn biết tôi đã đọc bao nhiêu bài luận bắt đầu như thế này: ‘Thế kỷ 20 là thế kỷ của vật lý và thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của khoa học đời sống’”.
Fan tới từ Hiệp hội sinh viên Trung Quốc ở UC Davis cho rằng có sự khác biệt trong việc định nghĩa “gian lận” giữa sinh viên Mỹ và sinh viên Trung Quốc. Việc sinh viên Trung Quốc cùng nhau làm bài tập là rất phổ biến.
Một phát ngôn viên của Georgia Tech cho biết trường này đã làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo rằng sinh viên của mình hiểu các quy định của trường và những hậu quả khi vi phạm.
Đình chỉ hoặc đuổi học là những hậu quả trong số đó. Visa sinh viên của họ có thể bị thu hồi nếu họ không đang theo học một trường đại học Mỹ.
“Sinh viên từng khóc nức nở trong phòng tôi, nói rằng gia đình họ đã làm mọi thứ để họ được ở đây và năn nỉ tôi thương xót” – bà Melissa Famulari, phó trưởng bộ phận giáo dục đại học, Khoa Kinh tế, UC San Diego cho hay.
Trong khi đó, việc bị trục xuất có thể là một cơ hội kinh doanh cho Andrew Hang Chen – một tư vấn viên có công ty ở Pittsburgh. Nếu một sinh viên nước ngoài đang có nguy cơ mất visa, anh có thể hỗ trợ.
Công ty của anh – WholeRen Education – thu phí 4.000 USD để giúp một sinh viên chuyển sang một trường khác ở Mỹ. Rủi ro rất cao vì kinh nghiệm cho thấy nếu một sinh viên trở về Trung Quốc, nhiều khả năng họ sẽ không quay trở lại trường.
“Chúng tôi phải hành động rất nhanh” để chuyển sinh viên sang một trường khác. Khi nhận được một cuộc gọi, chúng tôi phải đếm từng giờ” – anh nói.
Năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc ở một trường công lớn ở New York đã bán câu trả lời bài thi cho một bạn cùng lớp với giá 2.000 USD. Cả hai đều bị đình chỉ và Chen cho biết anh đã đưa cả hai sang một trường cộng đồng khác – nơi mà họ sẽ học 1,5 năm trước khi được phép quay trở lại trường cũ.
Mặc dù nhiều trường đại học đã giải thích rất cặn kẽ về chính sách trong sạch trong học thuật, nhưng những bài học này thường bị lờ đi – Wenhua Wu, sinh viên Trung Quốc chuyên ngành Kinh tế ở ĐG Pittsburgh cho hay.
Dần dần, họ hiểu ra nhưng họ vẫn làm. “Họ làm vậy để đạt điểm tốt hơn. Hầu hết đều không bị bắt” – Wu nói.
- Nguyễn Thảo(Lược dịch từ WSJ)