- Tại Nhật Bản, học sinh không phải làm bài kiểm tra cho đến khi 10 tuổi. Trước khi đạt độ tuổi đó, người Nhật coi trọng việc rèn cho học sinh cách sống.Những đứa trẻ được học cách ứng xử trong cuộc sống. Chúng học cách chăm sóc động vật, tôn trọng người khác và hiểu biết về tự nhiên. Trẻ em được dạy những điều cần thiết như cách tự chủ, tinh thần trách nhiệm và sự công bằng.
Vì sao các trường học tại Nhật Bản không thuê lao công?
Một phần trong cách giáo dục trẻ nhỏ đó là dạy chúng giữ vệ sinh sạch sẽ cho môi trường xung quanh. Nếu ai cũng đều quan tâm và coi trọng không gian công cộng thì tất cả mọi người sẽ sống một cách hòa thuận.
Người Nhật tin rằng việc học những điều này sẽ dạy con họ biết tôn trọng và có tinh thần tự giác. Chúng sẽ hiểu rằng việc lau dọn là trách nhiệm của mọi người. Nhờ đó mà các em học sinh không coi thường việc dọn dẹp mà còn giúp đỡ nhau trong công việc đó.
Trẻ em ăn trưa tại trường phải có trách nhiệm mang rác của mình tới khu vực tái chế và lau dọn bàn ăn trước khi rời đi. Từng hộp sữa sẽ được thu gom để đem đi tái chế. Học sinh sẽ cùng ăn trưa với giáo viên trong lớp học, điều này tạo nên sự gần gũi giữa học trò và thầy cô.
Trong giờ ăn trưa, chính các em học sinh sẽ chịu trách nhiệm mang đồ ăn cho giáo viên chứ không hề có nhân viên phục vụ. Sau khi ăn xong, việc dọn dẹp sẽ được thực hiện hết sức cẩn thận, bạn sẽ không thể nhận ra rằng đã từng có ai ăn uống tại đó!
Không chỉ có vậy, nhiều trường học còn tự trồng các thực phẩm sạch sau đó dạy cho học sinh cách nấu những món ăn đơn giản và bổ dưỡng. Người Nhật cho rằng, thức ăn không phải trọng tâm mà quan trọng là cách giáo dục.
Chính việc cho học sinh tiếp cận với các công việc đời thường này sẽ giúp các em tăng tính tự giác, tính trách nhiệm và khuyến khích tinh thần lao động.
Những lợi ích lâu dài
Như đã nói ở trên, việc dạy trẻ em tự giác dọn dẹp sau khi ăn xong là một cách tuyệt vời để tạo nên một nền văn hóa nơi sự sạch sẽ luôn được chú trọng. Ngoài ra, việc này cũng giúp các em học sinh biết tôn trọng lẫn nhau.
Chúng được dạy cách giữ gìn vệ sinh công cộng và có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau. Khi dọn dẹp, trẻ em có thể trò chuyện với bạn bè để công việc không trở nên nhàm chán.
Trên thực tế, đây không chỉ đơn giản là công việc quét dọn mà nó còn mang một ý nghĩa đằng sau đó. Cho dù là trang trí lớp học, hay cắt tỉa cây cỏ thì học sinh Nhật Bản sẽ vẫn thực hiện một cách chu đáo bởi vì chúng đã được dạy dỗ để giữ gìn môi trường.
Và khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ vẫn tiếp tục quan tâm và bảo vệ môi trường xung quanh. Chúng sẽ không bao giờ quên thói quen tốt này. Việc dọn dẹp đơn thuần chỉ là cách để tạo lập thói quen đó.
Michael Auslin, một giáo viên Tiếng Anh tại Nhật Bản từng chia sẻ: “Đến trường không phải chỉ để học kiến thức trong sách giáo khoa mà là để học cách trở thành người có ích cho xã hội và biết tự chịu trách nhiệm với bản thân”.
Mục đích của trường học là để giáo dục trong mọi khía cạch, chứ không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức trong sách. Họ dạy trẻ em cách sống vì trong tương lai sẽ chẳng có ai đi theo dọn dẹp hộ chúng, vậy nên tốt nhất hãy học cách làm việc này từ bây giờ.
|
Ảnh: Nishatha Bijeesh
|
Các bậc phụ huynh có thể học hỏi được gì từ câu chuyện trên?
Trẻ em cần được giáo dục. Giáo dục ở đây không chỉ để có nhiều thêm kiến thức mà còn là để trở thành một người hữu ích. Con người phải biết quan tâm đến những người khác và môi trường xung quanh.
Đi học là khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ còn trường học là nơi các em được học những kĩ năng mới, tạo lập những thói quen tốt và có được các trải nghiệm.
Đối với các bậc cha mẹ, chúng ta nên dành thời gian xem xét áp dụng phương pháp này trong giáo dục trẻ nhỏ. Chúng ta phải hiểu rằng trẻ em cần biết cách tôn trọng, có tính tự giác và trách nhiệm đối với mọi thứ xung quanh.
Sẽ thật vô ích khi coi trọng việc phát triển trí tuệ mà coi thường việc rèn giũa nhân cách. Có thể chúng ta không muốn nhìn con mình phải quét dọn hay cọ rửa, nhưng chắc chắn ta muốn chúng trở thành những người được giáo dục toàn diện.
Vậy nên hãy nhớ, điều quan trọng không phải là ở hành động mà kết quả cuối cùng mới là quyết định.
Bạn nghĩ sao về điều này?
Xem thêm: Chuyện gia đình, cách dạy con ngoan
Thanh Phương (Theo Lifehack)
">