Bài 1: Những 'luồng gió mới' trong Sách giáo khoa Ngữ văn 6Bài 2: Làm thế nào để giáo viên Ngữ văn dạy tác phẩm mới không 'định kiến'?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều đã trao đổi với VietNamNet về việc đưa những ngữ liệu mới vào SGK.
"Khó khăn nhiều hơn thuận lợi"
PV: Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, những tiêu chí nào đã được nhóm tác giả đưa ra trong quá trình lựa chọn ngữ liệu mới?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống:Các tiêu chí được chúng tôi đặt ra như sau:
Thứ nhất,các văn bản đọc trước hết phải bảo đảm tiêu chí về tư tưởng, chính trị, đạo đức, thẩm mĩ; phù hợp với tâm lý lứa tuổi…
Thứ hai, văn bản phải tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thể loại và kiểu văn bản do chương trình quy định để hình thành cho học sinh cách đọc các văn bản tương tự, đồng thời trang bị vốn văn học, văn hóa.
|
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống |
Thứ ba,hệ thống văn bản phải ngắn gọn, có độ dài và độ khó vừa sức với học sinh lớp 6. Vì thế một số tác phẩm dài phải trích và cắt bớt, bên dưới ghi là “theo…”.
Thứ tư,hệ thống văn bản phải đa dạng, hài hòa giữa văn học Việt Nam và nước ngoài, miền xuôi và miền núi, đề tài và chủ đề, giới tính, văn bản đơn và đa phương thức…
Thứ năm,các văn bản thông tin và nghị luận xã hội cần đáp ứng yêu cầu kiểu văn bản và phải lựa chọn được văn bản có nội dung mang tính thời sự, vừa gần gũi với học sinh, vừa mang tính giáo dục cao về các vấn đề mà quốc gia và thế giới đang quan tâm.
Chẳng hạn như trong SGK Ngữ văn 6 của Cánh diều, đã có tổng số văn bản đọc là 30 với 2/3 là văn bản mới được lựa chọn theo các tiêu chí này.
Vậy trong quá trình đó, nhóm tác giả đã gặp những thuận lợi, khó khăn nào?
- Việc lựa chọn được một hệ thống văn bản đọc hay, hấp dẫn, đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình, vừa kế thừa, vừa đổi mới… là rất khó.
Quy trình tìm ngữ liệu cần bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình 2018, xem Lớp 6 học đọc các thể loại và kiểu văn bản nào? Cần đáp ứng yêu cầu gì về nội dung, hình thức và yêu cầu liên hệ, so sánh, kết nối; cần đáp ứng các kiến thức gì về tiếng Việt và văn học… Từ đó mới tìm các văn bản. Trước hết xem văn bản nào trong SGK hiện hành còn đáp ứng được yêu cầu; sau đó tìm những văn bản ngữ liệu mới…
Việc tìm văn bản ngữ liệu theo các tiêu chí nêu trên, nhìn chung là khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Thuận lợi duy nhất là có thể kế thừa một số văn bản hay trong SGK Ngữ văn hiện hành, vì các văn bản ấy đã được các tác giả đi trước lựa chọn khá kĩ, tinh tế và chính xác, lại có cả phần chú thích, tiểu dẫn, câu hỏi để người đi sau có thể tham khảo…
Khó khăn lớn nhất của việc tìm ngữ liệu là do chương trình Ngữ văn 2018 thiết kế theo hướng mở, không nêu các văn bản, tác phẩm cụ thể bắt buộc cho mỗi lớp; chỉ nêu yêu cầu cần đạt về năng lực đọc; nên những người biên soạn hoàn toàn phải độc lập, tự chủ, tự quyết định.
Số lượng văn bản, tác phẩm thì rất nhiều, nhưng đáp ứng cho đầy đủ các tiêu chí vào SGK như đã nêu trên là rất khó. Ví dụ chương trình yêu cầu đọc hiểu thơ lục bát. Mà thơ lục bát thì có hàng vạn bài khác nhau, rất nhiều bài hay… Nhưng chọn 3 bài lục bát để đưa vào sách sao cho phù hợp với học sinh lớp 6 không hề đơn giản. Chúng tôi phải tìm các bài lục bát viết về người mẹ để có nội dung thân thuộc, gần gũi với tâm hồn, tình cảm các em…Ngay cả đề tài người mẹ cũng đã có rất nhiều bài lục bát hay. Nhiều bài hay nhưng lại chỉ phù hợp với người lớn, không hợp với học sinh lớp 6…Các thể loại khác cũng khó khăn tương tự.
Rất may trong quá trình tìm văn bản đọc cho bộ sách Ngữ văn (của Cánh Diều), chúng tôi đã tham vấn ý kiến và được sự gợi ý của nhiều nhà văn như Trần Đăng Khoa, Tạ Duy Anh, Phạm Xuân Nguyên, La Khắc Hòa…
|
Học sinh các bậc học sẽ dần được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học mới trong SGK |
'Thay đổi cách dạy mới là thách thức lớn nhất'
Theo ông, giáo viên sẽ gặp những thách thức nào trong việc tiếp cận với một tác phẩm "mới tinh"? Họ nên làm như thế nào để vượt qua?
- Dạy học theo thể loại không có gì mới, đã có từ lâu, ngay Chương trình hiện hành (2006) cũng đang dạy đọc hiểu theo thể loại, chỉ khác là thể loại xếp theo các giai đoạn văn học.
Nói thế để thấy nếu giáo viên đã quen và thành thạo dạy đọc hiểu theo thể loại thì các văn bản mới không có gì khó cả.
Chẳng hạn đọc hiểu truyện ngắn, sách Ngữ văn 6 cũ đang dạy văn bản Bức tranh của em gái tôi(Tạ Duy Anh), nay bổ sung thêm 2 truyện mới: Điều không tính trước( Nguyễn Nhật Ánh) và Chích bông ơi(Cao Duy Sơn).
Với các truyện mới này, chỉ khác về nội dung, còn đặc điểm thì vẫn là truyện ngắn hiện đại.
Thách thức với giáo viên không phải là văn bản mới mà là cách dạy mới, ngay cả với văn bản cũ.
"Việc giao lưu giữa các nhà văn có tác phẩm trong SGK Ngữ văn là cần thiết và có ích không chỉ với chương trình mới. Vì các cuộc giao lưu như thế có nhiều tác động rất tốt với việc học Ngữ văn, giúp học sinh hiểu thêm tác phẩm… Tuy nhiên đây không phải là yêu cầu bắt buộc, nghĩa là phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi giáo viên và nhà trường" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống |
Dạy học phát triển năng lực khác dạy học chạy theo nội dung. Với Ngữ văn, giáo viên phải chuyển từ dạy theo kiểu giảng văn sang dạy đọc hiểu. Cụ thể chuyển từ việc nói nhiều, nói hộ, đọc hộ, cảm thụ hộ học sinh sang tổ chức các hoạt động cho các em tự đọc, tự tìm hiểu văn bản. Giáo viên vẫn có vai trò rất lớn trong việc nghĩ ra các các bài tập, câu hỏi , đưa các em vào tình huống cần giải quyết để hiểu văn bản; uốn nắn những sai sót và tham gia phân tích, bình giá sau khi học sinh đã trình bày…
Thay đổi cách dạy mới là thách thức lớn nhất.
Có những giáo viên do cảm nhận của bản thân sẽ không thích một tác phẩm hay tác giả nào đó, và vẫn phải dạy vì yêu cầu của công việc. Điều này, theo ông, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng bài giảng, và làm sao để hóa giải?...
- Đúng là có thực tế ấy và cũng dễ hiểu trong việc tiếp nhận các tác phẩm văn học. Khi giáo viên gặp các văn bản mới nào đó mà mình không thích thì chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới chất lượng bài giảng. Trong trường hợp này, có 2 cách để xử lí, hóa giải.
Thứ nhấtlà dạy đúng yêu cầu đọc hiểu 1 văn bản theo thể loại; có thể không có hứng thú, không có độ hứng khởi như các văn khác…
Và còn có cáchthứ hai, là Chương trình 2018 cho phép giáo viên có thể thay văn bản trong SGK bằng một văn bản khác, miễn là đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu của chương trình.
Do có 3 bộ sách Ngữ văn, nên giáo viên có thể tìm 1 văn bản tương tự ở các bộ sách còn lại hoặc tham khảo trong sách Văn bản đọc hiểu Ngữ văn lớp 6 – NXB ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021, hoặc tự mình tìm văn bản có nguồn dẫn rõ ràng…
Xin cảm ơn ông!
Đưa tác phẩm mới vào Sách giáo khoa là đúng "Việc đưa những tác phẩm mới vào chương trình giáo dục là phù hợp. Ở các nền giáo dục tiên tiến nước ngoài, những tác phẩm văn học kinh điển, đã trở thành di sản của quốc gia và nhân loại luôn được giữ lại dạy cho các thế hệ học sinh, còn các tác phẩm văn học đương đại vẫn có sự thay đổi. Đối với Việt Nam, những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… thì phải giữ trong SGK, ở mỗi bậc học sẽ có các cấp độ khai thác khác nhau. Còn những tác phẩm đương đại “ở lại” trong SGK 10, 15 năm là đủ, sang giai đoạn mới có thể thay thế bằng các tác phẩm khác. Xu thế đưa tác phẩm mới vào chương trình giảng dạy đang được thực hiện như hiện tại là đúng. Còn việc lựa chọn như thế nào là việc của các nhà làm SGK. Tuy nhiên phải chọn được những tác phẩm đại diện tiêu biểu cho những gì tinh túy nhất của văn chương, ngôn ngữ và thậm chí là đời sống của thời đại đó". Nhà văn, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
Phương Chi
Làm thế nào để giáo viên Ngữ văn dạy tác phẩm mới không 'định kiến'?
Làm thế nào để giáo viên Ngữ văn dạy lớp 6 năm nay có thể thẩm thấu được ý tưởng của các tác phẩm mới, ý đồ của người soạn sách, để không phải thấy không hay mà vẫn phải dạy?
">