|
Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) phát biểu trước Quốc hội: "Chúng ta đều biết, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp mới, dựa trên các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, Internet vạn vật, in 3D,... Tốc độ phát triển của những đột phá trong công nghệ là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu như trước đây, để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm, thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần hơn 3 năm".
Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực kể trên với tốc độ rất nhanh và tương tác, thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả, thông minh hơn. Việc ứng dụng các công nghệ mới không chỉ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của người dân, cách thức đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ mà còn cả cách thức quản trị quốc gia của nhà nước.
Cách mạng công nghiệp có tác động tới nhiều lĩnh vực pháp luật, làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật truyền thống chưa dự liệu hết.
Việc ứng dụng các công nghệ mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh, đồng thời đòi hỏi nền tảng pháp lý thích hợp để triển khai mô hình này.
Ứng dụng công nghệ mới tác động trực tiếp đến các thách thức xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi việc xây dựng, thực thi và phản ứng chính sách phải nhanh chóng và kịp thời. Trong bối cảnh đó, người dân và doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu chủ động tiếp cận, nắm bắt các công nghệ mới để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Các doanh nghiệp tích cực xây dựng các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ và các mô hình kinh doanh mới vào cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều ngân hàng cũng đang nhanh chóng triển khai các công nghệ mới. để xây dựng ngân hàng số. Phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chính phủ và các bộ ngành tích cực triển khai hoạt động để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, đại biểu Ninh Bình đánh giá, Việt Nam gặp nhiều bất lợi do là quốc gia đi sau, trình độ phát triển còn có khoảng cách so với quốc gia công nghệ hàng đầu. Tiềm lực công nghệ và tiềm lực tài chính cho đầu tư, đổi mới, phát triển công nghệ còn hạn chế. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy việc tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, giúp Việt Nam tăng tốc và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong quá trình phát triển.
Ông Nguyễn Thành Công bày tỏ nỗi băn khoăn về hiện tượng có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà chuyển sang các quốc gia khác đăng ký hoạt động do những lo ngại về an toàn pháp lý. Cho tới nay, khung khổ pháp lý, nhất là các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản kỹ thuật số, huy động vốn cộng đồng, kinh tế chia sẻ, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chia sẻ và kết nối các cơ sở dữ liệu vẫn chưa được quan tâm, ban hành đầy đủ.
"Chính vì vậy, tôi rất mong Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy các công nghệ ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới" - Đại biểu Công kiến nghị.
">