Cô Đào Thị Hồng Quyên trong một tiết dạy Trong thời gian này, hầu hết các dự án do cô Hồng Quyên triển khai đều giành được nhiều giải thưởng như Giải Ba cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin với dự án Nói không với thuốc lá; Giải Nhất cuộc thi SL – STEM (Service Learning STEM); Giải Khuyến khích sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII; Giải Nhất cuộc thi Sông sạch biển xanh nhằm giảm thải ô nhiễm rác thải nhựa khu vực Nam Định… Cô đã tham gia Chương trình tập huấn giáo viên STEM tại Trung tâm tên lửa và vũ trụ Hoa Kỳ – NASA (Honeywell Educator at Space Academy).
Cô Quyên cũng hướng dẫn học sinh đạt giải Nhì, giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (năm 2018, 2019); Hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi STEM Learning Across Borders (LAB) với 2 đề tài: Nghiên cứu hiện trạng nguồn nước ô nhiễm tại làng nghề Vân Chàng, Nam Định; Nghiên cứu nguy cơ di truyền bệnh tim mạch ở quần thể người Kinh Việt Nam thông qua dữ liệu dự án 1.000 genomes … cũng như thúc đẩy thành lập các câu lạc bộ STEM và xây dựng phong trào học sinh, giáo viên nghiên cứu khoa học.
Năm 2022, cô giáo trẻ là 1 trong 5 giáo viên xuất sắc nhất nước giành được học bổng danh giá Fulbright Teaching Excellence Award.
Đối với giải POR năm nay, theo Ban tổ chức, cô Đào Thị Hồng Quyên đã thuyết phục Hội đồng trao giải bằng sự nhiệt huyết bền bỉ với giáo dục STEM cùng một bản kế hoạch hành động được đánh giá cao về mặt khả thi và có ý nghĩa với cộng đồng.
Chia sẻ thêm về dự án đã giúp mình giành giải thưởng POR, cô Quyên cho biết 70% trẻ em Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, không được tiếp cận với giáo dục STEM. Những lý do chính là các trường trung học cơ sở và tiểu học thiếu chương trình giảng dạy STEM, đào tạo STEM cho giáo viên và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm...
“Để giải quyết những vấn đề này, chúng tôi đã tạo ra một dự án STEM cho khu vực nông thôn.
Đầu tiên, chúng tôi xây dựng ý thức cộng đồng và hiểu biết về giáo dục STEM cho học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - là trường hàng đầu tỉnh Nam Định với hơn 60% học sinh đến từ nông thôn. Chúng tôi đã lựa chọn và đào tạo học sinh trở thành đại sứ và tình nguyện viên giáo dục STEM.
Học sinh tham gia dự án Phát triển giáo dục STEM của cô Hồng Quyên tại Nam Định Đồng thời, để xây dựng hệ sinh thái STEM, chúng tôi tập trung vào các giáo viên toán và khoa học và các hội làng nghề truyền thống. Chúng tôi tuyển chọn và đào tạo giáo viên các trường THCS, những người có năng lực và nhiệt huyết để trở thành giáo viên nòng cốt của dự án.
Để giải quyết vấn đề thiếu cơ sở vật chất, chúng tôi liên kết các làng nghề trong khu vực để phát triển nội dung liên quan đến thực hành STEM.
Sau đó, chúng tôi đã phát triển các câu lạc bộ STEM địa phương. Câu lạc bộ này có sự tham gia của các đại sứ và giáo viên STEM và được tư vấn bởi các bản làng và nhà khoa học địa phương".
“Dự án của tôi giúp cho giáo dục công bằng hơn, giúp đỡ nhóm yếu thế giúp giảm khoảng cách giáo dục giữa các nhóm học sinh dân tộc thiểu số - nông thôn - thành thị” – cô Quyên bày tỏ.
“Tôn chỉ của tôi khi theo nghề giáo là “Không gây hại””
Về lý do theo nghề giáo, cô Quyên chia sẻ vui rằng “Khó quá, tôi cũng không rõ tại sao nữa”.
“Lúc đầu, tôi muốn học y nhưng bố mẹ bảo học y thì lâu ra trường quá. Bố tôi cũng không được khỏe, muốn thấy con gái tốt nghiệp đại học, nên cuối cùng tôi chọn sư phạm.
Sau này đi dạy thì tôi mới thấy yêu nghề: cứ vào lớp là quên hết mọi thứ bên ngoài, mỗi lần tiếp xúc với học sinh lại thấy như mình được nạp năng lượng sáng tạo”.
Về định hướng lựa chọn giáo dục STEM, cô Quyên cho biết khi ở đại học, cô theo ngành Sinh học là một ngành STEM.
“Thêm nữa, tôi rất thích môn Toán và từng học chuyên Toán ở cấp II. Tôi lại cũng yêu môn Lý và Hóa nữa nên tập trung vào STEM rất hợp với nền tảng của bản thân.
Bản chất các môn khoa học tự nhiên đã là môn STEM rồi, tôi chỉ cố gắng thúc đẩy việc dạy học gắn với thực tế, gắn với địa phương và làm sao để học sinh được thể hiện và theo đuổi ý tưởng của mình”.
Với cô Quyên, quá trình dạy học là quá trình đồng tiến hóa giữa giáo viên và học sinh. “Tôi thay đổi rất nhiều so với ngày mới đi dạy”.
Thế nhưng, trước câu hỏi “Tôn chỉ của bạn khi theo nghề giáo là gì?” , cô Quyên trả lời giản dị: “Đó là “Không gây hại” (Do no harm)” .
Hiện nay, tại Genesis, cô Đào Thị Hồng Quyên giữ vị trí là Trưởng bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh (Green Makerspace) và Nhà giáo dục Xanh (Green Educational House).
Cô Quyên cũng chủ động tham gia rất nhiều dự án như: Đa dạng sinh học khu vực đất ngập nước – Mangrove Forest and Sustainable Development do YSEALI tài trợ; dự án Covid-19 và Đại dịch tiếp theo – là dự án học tập cộng đồng do National Geographic tài trợ; Giảng viên nguồn chương trình BeInternet Awesome – Chương trình an toàn mạng dành cho học sinh của Google.
Hồng Quyên cho biết sau khi nhận giải thưởng POR, cô sẽ thực hiện theo đúng đề xuất với chương trình, kết nối các nhóm thúc đẩy STEM, đọc sách ở Việt Nam, phát triển chương trình có tính bền vững, tiếp tục hoạt động sau khi dự án kết thúc.
Kế hoạch hành động trong một năm tới đây của cô Quyên hướng tới 3 mục tiêu: Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía Bắc; Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh khuyết tật sau Covid; Thúc đẩy truyền thông giáo dục STEM. Các hoạt động này kỳ vọng sẽ được triển khai tới hơn 1.000 giáo viên cùng hơn 10.000 học sinh (trong đó 60% là học sinh nữ) nhằm hỗ trợ tiếp cận và phát triển giáo dục STEM, mang lại hiệu quả tích cực trong học tập và cuộc sống cho các em nhỏ.
Mẫu viết thư UPU lần 52: Tưởng tượng là siêu anh hùng Hawkeye giải cứu trẻ em khỏi tai nạn Thời hạn nộp bài thi viết thư UPU lần thứ 52 không còn nhiều, nếu chưa có ý tưởng cho bức thư của mình, các em hãy tham khảo bài mẫu dưới đây.">