|
|
Anh đã bắt đầu làm kinh doanh như thế nào và 1 triệu USD đầu tiên đến với anh ra sao?
Từ một trong những dự án viết phần mềm đầu tiên vào đầu năm 2001, tôi đã tự tay kiếm được 2 triệu đồng đầu tiên. Tôi đã tự thưởng cho mình một chiếc điện thoại di động second-hand hiệu Ericsson, đây là món hàng xa xỉ vào thời điểm đó, đặc biệt là với sinh viên.
Số tiền ít ỏi còn lại tôi dùng để đăng ký thành lập công ty, vì nếu muốn "thừa thắng xông lên", ký các hợp đồng phần mềm lớn hơn thì cần phải có tư cách pháp nhân.
Ngày 16/4/2001, tôi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khai sinh startup đầu tiên trong đời khởi nghiệp của mình với cái tên: Công ty TNHH giải pháp phần mềm Hòa Bình, tên giao dịch thì "Tây" hơn một chút là PeaceSoft. Tôi trở thành vị giám đốc trẻ nhất Việt Nam khi 19 tuổi 7 tháng 18 ngày; với 3 không: không vốn liếng, không trụ sở, không nhân viên.
Nếu hầu hết các đại gia Đông Âu đều kiếm 1 triệu USD đầu tiên từ thực phẩm, thương mại, xuất nhập khẩu… thì tôi cũng đi theo con đường truyền thống của ngành mình, đó là Startup công nghệ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi thành lập và xây dựng ChợĐiệnTử.vn, Sàn giao dịch Thương mại Điện tử đầu tiên tại Việt Nam, từ 2005 đến 2008 thì có quỹ đầu tư mạo hiểm muốn rót vốn và mua cổ phần. Lúc đó, PeaceSoft được định giá khoảng 6 triệu USD và tôi có khối tài sản hơn 2 triệu USD đầu tiên tính bằng cổ phần trong PeaceSoft.
Đến năm 2011, lại có thêm một vòng bán cổ phần nữa cho Tập đoàn eBay với định giá doanh nghiệp hơn 10 triệu USD và tôi có 1 triệu USD đầu tiên bằng tiền mặt. Nhìn chung, đây là con đường làm giàu đặc trưng của các Startup công nghệ: xây dựng những nền tảng đổi mới sáng tạo rồi bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc lên sàn chứng khoán.
Khi đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên, anh cảm thấy thế nào, và việc kiếm tiền sau đó có sự khác biệt gì so với 1 triệu USD đầu tiên này?
Thực ra, sau khi kiếm được 1 triệu USD đầu tiên, tôi cũng không có thay đổi gì nhiều về cuộc sống, ngoại trừ cuộc sống cá nhân được đảm bảo hơn, không còn bấp bênh và trạng thái có thể trắng tay bất kỳ lúc nào như trước nữa.
Đời startup thì thời điểm nào cũng có thể mất trắng. Đầu tiên là mất tiền bạc, vì nếu startup thất bại, thậm chí còn phải bán cả nhà, cả cửa đi để trang trải nợ nần.
Thứ hai, là mất thời gian và cơ hội. Thay vào đó có thể làm một công việc khác, có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Thứ ba, là mất niềm tin của bản thân và đội ngũ, đây mới là cái mất lớn nhất khiến chúng ta khó vực dậy. Cũng giống như tuyển Việt Nam trước kia thua Thái Lan suốt thì mỗi khi gặp lại sẽ có cảm giác "cóng" và chán.
Vì thế, sau khi kiếm được 1 triệu USD, tôi vẫn "cày cuốc" Startup như bình thường. Vì thực ra, 1 triệu USD ở Việt Nam bây giờ không lớn. Nếu tính theo mức bình dân thì chỉ mua được bốn căn chung cư, hai cái nhà liền kề, nhưng không đủ để mua được một căn villa tại các khu sang chảnh.
Vậy đến thời điểm nào Shark Bình không còn cảm thấy lo lắng về tiền bạc?
Đó là khi Startup bắt đầu có lãi, chứ vẫn cứ lỗ, vẫn đốt tiền đầu tư thì còn bấp bênh.
Tính tổng các công ty, thì đến khoảng năm 2013 thì NextTech mới bắt đầu có lãi. Tức phải trải qua 12 năm khởi nghiệp thì mới có lãi về mặt tài chính. Thế nên mới nói, đời startup không hề đơn giản.
NextTech cũng là trường hợp hiếm hoi trong làng Startup, mà cũng mất đến 12 năm mới tự tin về tài chính. Trong khi một số lĩnh vực khác của nền kinh tế như bất động sản, sản xuất, thương mại, tài chính… thì thời gian đó ngắn hơn nhiều. Nhưng nếu quan sát các công ty công nghệ lớn trên thế giới, như Amazon hay Facebook, họ cũng phải mất một thời gian dài miệt mài đốt tiền trước khi bắt đầu có lãi.
Thậm chí, công ty mẹ của Shopee là Sea Group cũng vậy, trước kia cũng từng kinh doanh game có lãi, cho đến khi đầu tư vào thương mại điện tử và thanh toán điện tử thì đến giờ vẫn lỗ hàng tỷ USD/năm.
Anh từng chia sẻ rằng: "Ban ngày đi làm, tối về lướt Facebook, TikTok thì không được gọi là kiếm tiền, đó chỉ là kiếm sống". Vậy từ khi bắt đầu startup, anh đã từng bị "mắc kẹt" giữa suy nghĩ kiếm tiền và kiếm sống không, hay chỉ đơn thuần làm vì đam mê?
Chủ yếu lúc bắt đầu startup là làm vì "máu", vì đam mê, nhưng một phần cũng vì không biết phải làm gì khác. Mình chỉ biết đi mỗi con đường đó, nếu dừng lại thì mình không biết phải làm gì khác.
Thực chất, nhiều khi cứ nghĩ đao to búa lớn, nhưng bản chất lại xuất phát từ 1 việc rất đơn giản: "Không làm cái đấy thì cũng chả biết làm cái gì nữa!".
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bản thân mình là một startup, cuộc sống cá nhân gắn liền với sức khỏe doanh nghiệp. Nếu công ty có lãi thì mới có tiền để chia, chứ công ty mà lỗ thì lấy đâu ra tiền. Trừ khi có buôn bán bên ngoài, nhưng nếu như vậy thì không tập trung 100% sức lực và tâm trí làm startup được.
Anh đã rất thành công khi làm startup theo kiểu "con gián", vậy từ góc nhìn của người có nhiều startup nhỏ nhưng thành công như vậy, Shark Bình có chia sẻ gì đối với các startup muốn đi theo chiến lược này?
Startup kiểu "con gián" cũng giống như chiến thuật "đàn cá hổ", nhiều con nhỏ, nhanh nhẹn, mà tự sống được thì một đàn cá nhỏ cũng có thể so với một con cá to. Điều ấy cũng tương đối phù hợp với lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử của Việt Nam thông thường là chiến tranh du kích, phân tán thành các lực lượng nhỏ, không giỏi làm cái gì đó . Nhưng nếu kết hợp sức mạnh tổng thể, hay còn gọi là sức mạnh bó đũa thì lại rất mạnh.
Khi làm PeaceSoft, anh cũng từng đốt rất nhiều tiền, nhưng về sau lại làm các startup nhỏ theo kiểu "con gián", khái niệm về việc đốt tiền đối với Shark Bình đã thay đổi như thế nào?
Khái niệm quan trọng nhất khi startup là phải tìm được phương thức kinh doanh tích cực và phù hợp, tức là những gì mình làm phải đem lại đơn vị kinh tế thực, hay Positive Economic Unit.
Hiện nay, đại đa số startup chết là do không tạo ra mô hình kinh doanh mang lại đơn vị kinh tế thực dương nên cứ tăng quy mô lên thì tăng lỗ, càng làm to càng lỗ nặng. Có thể anh mở một cơ sở thì lãi, hai cơ sở bắt đầu thấy khó, từ cơ sở thứ ba thì bắt đầu lỗ.
Đến bây giờ, anh còn đặt mục tiêu kiếm bao nhiêu tiền mỗi tháng hay không?
Trước đây, tôi đã có những ước mơ như một tháng sẽ kiếm được mấy trăm triệu, hay mấy tỷ. Nhưng đến giờ, sau khi đã đạt được một mức độ tự do tài chính nhất định thì con người ta thường có xu hướng chuyển sang theo đuổi "giá trị". Tức là tạo ra các giá trị mới cho xã hội, và tiền chỉ là hệ quả trực tiếp của các giá trị đó!
Trước năm 2015, trong tầm nhìn và sứ mệnh của NextTech có câu "mục tiêu trở thành công ty kỳ lân giá trị tỷ USD". Nhưng từ năm 2016, sứ mệnh này đã thay đổi thành "làm bệ phóng cho hàng trăm doanh nhân công nghệ thành công ở Việt Nam và Đông Nam Á". Đó là sự chuyển biến về góc nhìn và mục tiêu của NextTech, không hướng tới tiền bạc bằng con số nhưng nếu tạo ra được 100 doanh nhân công nghệ có giá trị cho xã hội rồi thì 1 hay 10 tỷ USD lúc đó chỉ là con số.
Theo Tri thức trẻ
Shark Hưng chỉ ra điểm yếu bất cứ startup nào cũng có thể gặp phải
Dù đã quyết định đầu tư vào startup chuyển đổi số trong ngành hàng hải, nhưng Shark Hưng cũng chỉ ra điểm yếu trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này, nhất là khi hoạt động ở thị trường ngách.
">