|
Hiện tượng thủy triều đỏ do tảo nở hoa gây hại, khi mật độ cao có thể khiến nước biển chuyển màu vàng sậm. |
Vậy thủy triều đỏ là gì và sự nguy hiểm của hiện tượng này đến mức nào?
Thủy triều đỏ hay còn gọi là tảo nở hoa gây hại nhằm chỉ hiện tượng "bùng nổ" về số lượng của tảo biển trong nước. Sự "nở hoa" của tảo làm nước biển màu đỏ nhưng đôi khi cũng có màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo…
Mặc dù có tên gọi là "thủy triều đỏ", song hiện tượng này không liên quan tới các chuyển động thủy triều và nước biển cũng không nhất thiết phải đổi màu khi mật độ tảo "nở hoa" không quá dày. Do đó, các nhà khoa học thường chọn cách gọi tên chính xác hơn là tảo nở hoa gây hại.
Khi hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra, tùy vào loại tảo, các độc tố tự nhiên sẽ được sinh ra. Đồng thời, lượng oxy trong nước biển cũng suy giảm nghiêm trọng. Điều này khiến thủy triều đỏ trở thành nguyên nhân khiến các loài sinh vật biển chết hàng loạt. Hiện tượng cá chết hàng loạt do thủy triều đỏ đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Canada, Malaysia, Trung Quốc. Phạm vi của thủy triều đỏ trên thế giới từng được ghi nhận có thể xảy ra trên cả một vùng biển rộng lớn, chẳng hạn như cả vịnh Mexico hay dọc bờ biển bang Texas của Mỹ.
Những chất độc sinh ra từ hiện tượng thủy triều đỏ cũng có thể gây tác hại lên con người. Nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn phải cá, ốc, sò... nhiễm độc, con người có thể gặp một số triệu chứng dị ứng, gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Thậm chí với những người có tiền sử bệnh hô hấp kéo dài, ảnh hưởng có thể lớn đến mức gây tử vong. Điều này được ghi nhận trong nhiều lần hiện tượng này xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn vào năm 1976, hiện tượng thủy triều đỏ tại Borno, Malaysia đã khiến 202 người ngộ độc và 7 người tử vong.
Nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ
Sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như là hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước, tức là thải quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp vào nước. Hoặc cũng có thể là hiện tượng nước trồi, tức dòng nước lạnh đặc và nhiều dinh dưỡng di chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn.
Một số yếu tố như bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn như sa mạc Sahara còn được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra thủy triều đỏ. Một số lần thủy triều đỏ xảy ra ở Thái Bình Dương có liên quan đến biến đổi khí hậu quy mô lớn, như El Nino.
Ngoài các yếu tố tự nhiên, hoạt động của con người làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong nước hoặc gây ô nhiễm nguồn nước cũng có thể khiến thủy triều đỏ bùng phát.
Thủy triều đỏ tại Việt Nam
Thủy triều đỏ từng nhiều lần xảy ra tại nhiều địa phương của Việt Nam.
Hiện tượng thủy triều đỏ được quan sát thấy nhiều nhất tại vùng biển Bình Thuận. Theo các nhà khoa học, loại tảo ở vùng biển này là tảo Phaeocystis globosa. Hiện tượng thủy triều đỏ tại thường xuất hiện mỗi năm 1 lần, vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, cao điểm nhất là tháng 7 và tháng 8 khi có hiện tượng nước trồi cuối mùa khô và đầu mùa mưa.
Lần thủy triều đỏ gây thiệt hại nặng nề nhất tại Bình Thuận là vào năm 2002. Hiện tượng thủy triều đỏ đã xảy ra trên một vùng biển rộng khoảng hơn 40km2, làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt, môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục. "Thủy triều đỏ" cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm.
Gần đây nhất, một số đợt thủy triều đỏ xuất hiện trên sông Hoàng Mai, Nghệ An đã khiến cho nhiều thủy sản của người dân bị thiệt hại.
">