|
Bài toán không khó
Những năm gần đây, ngành gia công phần mềm ở Việt Nam có nhiều lợi thế nhất định để trở thành một trong những quốc gia gia công phần mềm hàng đầu. Trong tham luận tại hội thảo chuyên đề “Smart Society - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT: Ứng dụng dịch vụ Viễn thông, CNTT vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng” diễn ra hồi trung tuần tháng 7/2016, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên cho hay, năm 2015 Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của Tập đoàn Gartner. Còn theo báo cáo của Công ty Tholons Study công bố hồi đầu năm 2016, TP.HCM và Hà Nội vẫn xếp Top 20 trong 100 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM xếp vị trí 18 (không đổi so với 2014) và Hà Nội xếp vị trí 19 (tăng 1 bậc).
Đại diện Vụ CNTT cũng cho biết, thị trường xuất khẩu phần mềm năm 2015 chủ yếu vẫn tập trung ở 3 khu vực Nhật, Bắc Mỹ và châu Âu. Một số doanh nghiệp như FPT Software đã mở rộng ra nhiều phân khúc thị trường mới như Mymamar và Bangladesh… Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số đã được xác định là một trong những định hướng chủ yếu của CNTT Việt Nam trong chặng đường sắp tới.
Nhìn lại chặng đường 5 năm từ 2010 - 2015, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam 5 năm qua đã đạt được tốc độ phát triển rất cao từ 30 - 40% năm. Nhờ sự nỗ lực đón bắt làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ gia công phần mềm của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là của Nhật Bản, chuyển từ 2 trung tâm là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước khu vực ASEAN; thêm vào đó, nhờ có sự ổn định của tình hình chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm của các đối tác Nhật Bản.
“Việt Nam trở thành đối tác yêu thích số một của Nhật Bản, với lượng đơn đặt hàng và giá trị tăng nhanh chóng, từ năm 2013 đã soán ngôi vị số 2 của Ấn Độ. Thị trường Mỹ và châu Âu vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt từ 20 - 30%/năm”, đại diện VINASA cho biết.
Thời gian gần đây, tiếp nối những thành công đạt được tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt đang tích cực tìm kiếm thêm những cơ hội mới tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó thị trường Bắc Mỹ được rất nhiều doanh nghiệp CNTT đặc biệt quan tâm, bởi đây là một thị trường CNTT lớn, kỳ vọng sẽ là thị trường tiềm năng thứ hai sau Nhật Bản.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, đề cập đến thị trường gia công phần mềm của Bắc Mỹ là nói đến một thị trường có quy mô lớn nhiều tỷ USD, nhu cầu cao nhưng nhân lực đáp ứng được thì thiếu và tính cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không thể ngồi chờ các đối tác này tiếp cận mà chỉ dựa vào yếu tố: giá thành rẻ nếu so sánh với Trung Quốc, Philippines hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt vẫn có được những lợi thế rất lớn so với những doanh nghiệp về CNTT khác trên thế giới, cụ thể là, cùng với việc có Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ hơn 290 trường đại học trên cả nước, Việt Nam hiện đang được các công ty lớn chọn làm điểm đầu tư lâu dài như: Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxconn, Fujitsu, Canon, Panasonic đã đặt nhà máy sản xuất; HP, CSC, Cisco, NTT, Toshiba, Sony, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam.
Thêm vào đó, Chính phủ đã và đang có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm và các ưu đãi thuế cùng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Một lợi thế quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm là giá dịch vụ gia công phần mềm tại Việt Nam mặc dù có tăng trong những năm gần đây song vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.
" alt="Bắc Mỹ được kỳ vọng sẽ là thị trường lớn thứ hai của phần mềm Việt"/>