|
Hacker có thể tận dụng lỗ hổng của một mắt xích trong chuỗi cung ứng để tấn công doanh nghiệp mục tiêu. (Ảnh: iStock/Getty Images) |
Hội thảo “Đảm bảo an toàn thông tin cho chuỗi cung ứng ICT” do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phối hợp cùng hãng bảo mật Kaspersky tổ chức mới đây mổ xẻ các vấn đề liên quan đến bảo mật chuỗi cung ứng, và nêu các giải pháp phòng vệ cần thiết.
Trong bài trình bày của mình, ông Yeo Siang Tong - Tổng giám đốc Kaspersky Đông Nam Á - dẫn 3 ví dụ về các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng chỉ mới diễn ra năm ngoái. Trong đó, các nạn nhân không hề bị tấn công trực tiếp mà lãnh hậu quả từ sơ hở của các đối tác trong hệ thống kết nối mạng. Ông Yeo cũng nêu một số giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam phòng ngừa hình thức tấn công mới.
Ví dụ, vụ rò rỉ tại nhà mạng Singtel (Singapore) hồi tháng 2/2021 khiến thông tin của 129.000 khách hàng và thông tin tài chính của các cựu nhân viên bị phơi bày. Trong vụ này, thay vì tấn công vào hệ thống của Singtel vốn được bảo vệ nghiêm ngặt, kẻ gian đã nhắm vào một hệ thống chia sẻ tập tin có kết nối với hệ thống của Singtel, sản phẩm của một công ty phát triển cách đây hai thập kỷ.
Vụ việc ở Singapore Airlines vào tháng 3 cũng diễn ra với thủ đoạn tương tự. Hacker tấn công vào máy chủ hệ thống dịch vụ hành khách của một công ty trong lĩnh vực vận tải hàng không. Kết quả, dữ liệu thông tin 580.000 thành viên đăng ký hãng hàng không quốc gia Singapore bị xâm phạm.
Ngay cả một công ty công nghệ cũng bị kẻ xấu tấn công, làm ảnh hưởng đến những nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng của công ty này bị ảnh hưởng. Cụ thể, nhóm REvil tấn công ransomware vào công ty Kaseya (Mỹ) vào tháng 7/2021 kèm theo yêu cầu đòi 70 triệu USD để khôi phục dữ liệu khách hàng. Khoảng 60 nhà cung cấp dịch vụ được quản lý (MSP) và gần 1.500 khách hàng doanh nghiệp của công ty này bị ảnh hưởng. Thay vì tấn công trực diện, nhóm hacker đã tận dụng lỗ hổng trong giải pháp quản lý và giám sát từ xa (RMM) của Kaseya.
Nhìn vào các công ty bị tấn công thuộc đa dạng ngành nghề, chuyên gia Kaspersky nhận định lĩnh vực nào cũng có thể bị hacker nhắm đến.
Sau những bài học kể trên, ông Yeo Siang Tong khuyên doanh nghiệp Việt Nam cần rút ra một số kinh nghiệm phòng tránh. Cụ thể, hệ thống kết nối mạng càng phức tạp càng mở ra nhiều cơ hội cho tội phạm trên không gian mạng, do đó cần đơn giản hoá và tối ưu mạng lưới.
Nhìn những cuộc tấn công nói trên, rõ ràng khả năng bảo mật của một doanh nghiệp không chỉ nằm trong tay doanh nghiệp đó mà phụ thuộc vào các đối tác khác. Một cuộc tấn công bất kỳ vào chuỗi cung ứng ICT hoàn toàn có thể tác động tới các công ty trong mạng lưới. Khi đó, vấn đề bảo mật thống khách hàng và hệ thống mạng trở thành trách nhiệm chung của toàn chuỗi cung ứng. Sau một cuộc tấn công, không chỉ doanh thu mà danh tiếng của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Giám đốc hãng bảo mật dẫn ra một số nguyên tắc để gia cố chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, cần xây dựng các nguyên tắc cốt lõi, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo mức độ an toàn thông tin nhất quán tại tất cả các công ty liên quan. Đồng thời cải thiện các quy trình và quy định về cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng ICT.
Ở tầm vĩ mô, cần có các chiến lược quốc gia khả thi về an toàn thông tin, xây dựng năng lực an toàn thông tin và hợp tác công-tư.
Trong quá trình xây dựng quy trình hay ứng phó với các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng, ông Yeo Siang Tong nhấn mạnh yếu tố bảo mật các điểm cuối, đồng thời cần có sự hợp tác của nhiều bên để xây dựng năng lực bảo mật.
Hải Đăng
Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tấn công mạng vào chuỗi cung ứng ICT
Nhận định tấn công mạng nhắm vào chuỗi cung ứng ICT ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, các tổ chức tại Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó thông qua việc chia sẻ, cập nhật tri thức về hình thức tấn công này.
" alt=""/>Nguy cơ bảo mật kiểu mới: Quýt làm, cam chịu!