|
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2019, ông thấy Viettel có những kết quả gì nổi bật?
Năm 2019, doanh thu của Viettel tăng trưởng 7,5% trong tình hình viễn thông đã bão hòa là kết quả tốt. Một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Viettel năm 2019 là đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh khó khăn, doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng tới gần 25% - gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của ngành viễn thông thế giới, và lợi nhuận đạt tới 2.200 tỷ đồng – gấp 2 lần so với kế hoạch.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thay đổi ở các thị trường nước ngoài của Viettel?
Mặc dù ở một số thị trường khu vực châu Phi, chúng tôi vẫn còn gặp những khó khăn do điều kiện kinh tế- xã hội, bất ổn chính trị, chịu tác động của tỷ giá tiền tệ…, nhưng cũng đang tìm thấy những hướng đi mới ở những thị trường thuộc châu Á và châu Mỹ.
Viettel đang có một dự án rất thành công tại Myanmar (Mytel) với mức tăng trưởng đạt kỷ lục về thuê bao di động từ trước đến nay khi đầu tư ra nước ngoài. Hiệu quả từ thị trường này cũng là nhân tố quan trọng giúp Viettel có lợi nhuận tăng mạnh từ đầu tư quốc tế năm 2019.
Bên cạnh đó, 2 thị trường truyền thống là Lào, Campuchia cũng phục hồi và tăng trưởng rất mạnh. Haiti sau một thời gian chững lại cũng tìm được hướng phát triển tốt, Peru có thay đổi mạnh mẽ…
Tất cả những điều đó tạo ra một sự thay đổi lớn của Viettel trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Điều gì đã thay đổi tại Viettel dẫn tới bước ngoặt về kết quả kinh doanh trong hoạt động đầu tư nước ngoài?
Quá trình này bắt nguồn từ năm 2018 khi Viettel quyết định tập trung toàn bộ vào hiệu quả lợi nhuận và dòng tiền đem về Việt Nam với hoạt động đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố rất quan trọng dẫn tới các thay đổi sau đó.
Vì thế, chúng tôi thay đổi về cách làm. Thay vì “lấy nông thôn vây thành thị”, chúng tôi tập trung vào thành thị. Bởi vì, sau một thời gian, chúng tôi nhận ra, ở nông thôn châu Phi, người dân nghèo quá, ăn còn không đủ nói gì đến dùng viễn thông. Mặc dù thành thị là nơi phải cạnh tranh rất mạnh vì nhiều đối thủ nhưng phải làm vì chỗ đấy mới có nhu cầu dùng viễn thông cao. Khi chúng tôi làm tốt ở thành thị thì hiệu quả tăng lên.
Một việc nữa là chiến lược nhân sự. Giám đốc của các thị trường hiện nay là những cán bộ ưu tú của Viettel và hầu hết là “nguồn” cho vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn sau này.
Ở nước ngoài thì tinh thần tự chiến đấu của giám đốc và nhân sự chủ chốt là quan trọng nhất. Họ phải đủ tầm để quyết định chính sách kinh doanh phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Đó chính là những lý do quan trọng năm 2019 Viettel thu hái được kết quả tốt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2019, chiến lược quan trọng và xuyên suốt nhất của Tập đoàn Viettel là chuyển dịch số. Nếu kể ra 5 điểm nhấn quan trọng nhất về chuyển dịch số của Viettel thì đó là gì?
Thứ nhất là chuyển đổi số hệ thống quản trị nội bộ (ERP). Thực tế, Viettel là doanh nghiệp công nghệ nhưng quản trị nội bộ theo đúng nghĩa của một doanh nghiệp số vẫn chưa được như kỳ vọng.
Chúng tôi đã số hóa nghiệp vụ ở tất cả bộ phận rồi, nhưng tất cả đều liên thông với nhau theo dòng chảy của kỹ thuật số thì chưa đạt chuẩn thế giới. Trong năm 2019, Viettel đã cùng với SAP đẩy mạnh việc triển khai ERP thống nhất trên toàn Tập đoàn, theo các chuẩn của thế giới.
Chúng tôi cũng thống nhất tất cả các quyết định kinh doanh phải dựa trên phân tích dữ liệu lớn (big data), hướng tới khách hàng, chứ không dựa trên cảm nhận chủ quan. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc khách hàng, bán hàng, kinh doanh… đều được tự động hóa tối đa, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển sang online, giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Thứ hai, chúng tôi rất chú trọng việc giới thiệu dịch vụ số đến khách hàng, trong đó có hai lĩnh vực quan trọng nhất là thanh toán số và nội dung số. Với thanh toán số, ViettelPay làm theo kiểu ngân hàng số cũng khá thành công nhưng chúng tôi đang chờ đợi giấy phép mobile money để có sự phát triển đột phá hơn ở lĩnh vực này. Ở mảng nội dung số, Viettel đã định hướng trở thành nhà sản xuất nội dung số chuyên nghiệp và sắp tới sẽ hệ thống hóa lại thành một hệ sinh thái thống nhất.
Thứ ba, ngoài chuyển đổi số cho mình, Viettel còn tư vấn và thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam nữa. Viettel đã xây dựng Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) trở thành nhà tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, nhỏ và tổ chức, đặc biệt là xây dựng chính phủ điện tử cho trung ương và địa phương.
Trong năm 2019, một trong những việc rất quan trọng mà VTS đã làm được là xây dựng chính phủ điện tử thành công không cần đầu tư hàng trăm hay hàng nghìn tỷ đồng mới làm được, mà có thể bắt đầu với số tiền không lớn. Dự án chính phủ điện tử tại Thừa Thiên Huế là ví dụ điển hình.
Thứ tư, Viettel đã số hóa thành công nhiều công ty với các nghiệp vụ truyền thống, sử dụng phần lớn là lao động thủ công như bưu chính, công trình, xuất nhập khẩu… Những công ty này gần như chuyển đổi về chất trong năm 2019 và sẽ còn tiếp tục thay đổi nữa để trở thành doanh nghiệp công nghệ.
">