Khi còn là một đứa trẻ, điều đầu tiên bạn làm khi bị ngã trầy đầu gối là gì? Chẳng phải bạn đã chạy đến ôm lấy mẹ hoặc bố sao. Bây giờ, khoa học cho rằng cảm giác yêu thương thực sự có thể làm dịu nỗi đau, không chỉ về cảm xúc mà còn cả về mặt thể xác.Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh Hoa Kỳ tuần trước đã xác nhận điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều biết: Nắm tay, ôm ấp hay thể hiện sự đồng cảm có thể giúp con cái họ giảm đau đớn.
Nhưng một điều mà có thể các bà mẹ chưa biết, đó là việc nắm tay cũng giúp đồng bộ hóa sóng não hai người, giúp họ san sẻ nỗi đau và từ đó cảm thấy tốt hơn.
Simone Shamay-Tsoory, giáo sư tâm lý học tại Đại học Haifa ở Israel, giải thích: "Khi chúng ta chia sẻ nỗi đau với người khác, về cơ bản, chúng ta đang kích hoạt não bộ của mình trong cùng một hệ thống thần kinh khiến chúng ta cảm nhận được nỗi đau của chính mình".
Hiện tượng này đã được ông cùng nhóm của mình chứng minh trong một loạt các thí nghiệm.
Cái nắm tay san sẻ nỗi đau
Trong thí nghiệm đầu tiên, giáo sư Shamay-Tsoory đã mời một số cặp đôi đang yêu tham gia. Họ được yêu cầu nắm tay nhau và một người sẽ phải tiếp xúc với một vật nóng để kích thích cảm giác đau, tương đương với một cơn bỏng nhẹ.
Các nhà khoa học quan sát thấy khi cặp đôi nắm tay, người phải chịu bỏng càng cảm nhận được sự đồng cảm từ đối tác của mình thì cảm giác đau của họ càng giảm xuống.
Lặp lại thí nghiệm này với việc nắm tay một người lạ cho thấy cái nắm tay lần này trở nên vô dụng.
Để tìm hiểu thêm, tại sao tiếp xúc cơ thể từ một người thân yêu có thể đem lại lợi ích giảm đau, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm lại một lần nữa. Nhưng lần này, họ sử dụng một thiết bị điện não đồ mới để theo dõi tín hiệu não phát ra từ hai người đồng thời cùng lúc.
Kết quả bất ngờ cho thấy, trong khi nắm tay nhau, sóng não của các cặp đôi đã đồng bộ hóa. Các tế bào thần kinh của họ bị kích thích ở các khu vực não giống nhau, và ngay cả các tín hiệu mà chúng phát ra cũng tương tự nhau.
Các tín hiệu càng đồng bộ đến đâu, giáo sư Shamay-Tsoory càng thấy cặp đôi tỏ ra đồng cảm hơn và hiệu ứng giảm đau cũng mạnh hơn.
Từ trước đến nay, tất cả chúng ta đều biết cái nắm tay là một biểu tượng cho sự trợ giúp, ông nói. "Nhưng ở đây, chúng tôi còn chỉ ra một cơ chế trong não bộ giải thích hiệu ứng này. Lần đầu tiên chúng tôi chỉ ra được sóng não đã đồng bộ hóa trong khi hai người cầm tay nhau, và sự hỗ trợ này có hiệu quả trong việc giảm đau".
Trong số các sóng não ghi nhận được, nhóm nghiên cứu thấy một mô hình sóng alpha đặc biệt nổi bật. Mô hình này liên kết với hệ thống nơ-ron phản chiếu - là các tế bào thần kinh phát tín hiệu trong cả hai trường hợp: khi bạn thực hiện một hành động và cả khi bạn ngồi im nhưng quan sát thấy người khác thực hiện hành động đó.
Trong thử nghiệm này, hành động là nỗi đau khi bị bỏng.
Sự đồng bộ hóa mạnh nhất giữa các cặp đôi xảy ra ở các vùng não liên quan đến tế bào thần kinh phản chiếu, cũng như trong các khu vực xử lý xúc giác. Hoạt động của nơ-ron phản chiếu là một phần của mạng lưới thấu cảm trong não, và giáo sư Shamay-Tsoory suy đoán rằng sự đồng bộ trong khu vực này sẽ dự đoán được nỗi đau mà các cặp đôi đang chia sẻ.
Ranh giới giữa cái tôi và cái ta bị xóa nhòa
Trong nghiên cứu mới nhất chưa được công bố, giáo sư Shamay-Tsoory đã thực hiện thí nghiệm thêm một lần nữa. Lần này, hoạt động não của các cặp vợ chồng được theo dõi sát sao hơn dưới máy cộng hưởng từ chức năng fMRI.
Đầu tiên, người phải chịu đau sẽ được quét não trước trong khi cả hai vẫn nắm tay nhau. Sau đó, họ đổi vị trí cho người không bị bỏng vào máy quét. Trong tất cả các thử nghiệm, cả hai người đều thể hiện sự hoạt động mạnh ở vùng thùy dưới của não, nơi có các nơ-ron phản chiếu.
Một lần nữa, kết quả cho thấy sự đồng bộ của tín hiệu não liên kết chặt chẽ với sự đồng cảm và hiệu ứng giảm đau. "Có lẽ ranh giới giữa cái tôi và cái ta đã bị xóa nhòa", giáo sư Shamay-Tsoory nói. "Có lẽ họ đã chia sẻ nỗi đau của mình bằng cách đồng bộ hóa sóng não, từ đó mức độ đau đã giảm xuống".
Với những người phải chịu đựng nỗi đau, việc nắm tay đã khiến vùng insula trong não giảm hoạt động, đây chính là vùng não hoạt động mạnh nhất trong những cơn đau. Nhưng với người nắm tay, vùng insula của họ không hề hoạt động một chút nào, cho thấy rằng trong khi chia sẻ nỗi đau với một nửa của mình, họ thực sự không bị đau đớn.
Điều quan trọng cần lưu ý là các tín hiệu đau từ cánh tay - thứ mà các nhà khoa học gọi là cơn đau cảm thụ - hoàn toàn không thay đổi một chút nào trong khi các cặp đôi nắm tay nhau. Thay vào đó, chỉ có nhận thức về những tín hiệu đó thay đổi.
Juulia Suvilehto, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Linköping, Thụy Điển, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng có nhà khoa học nào sẽ nói các tín hiệu đau cảm thụ bị ảnh hưởng lớn từ những tiếp xúc cơ thể. Nhưng, bằng cách nào đó khi các tín hiệu này chạy đến não bộ, một thứ gì đó xảy ra đã khiến chúng ta cảm thấy nó ít đau đớn hơn".
Suvilehto nghi ngờ rằng sự đồng bộ hóa của hai bộ não không phải là thứ cuối cùng tạo ra hiệu ứng giảm đau. Cô tin đó chỉ là mối tương quan chứ không phải nguyên nhân- kết quả.
Để giải thích Suvilehto đưa ra một số giả thuyết cho hiệu ứng nắm tay và đồng cảm có thể làm giảm các tín hiệu đau trong não.
Một là phản ứng căng thẳng cơ thể. Khi bị căng thẳng, mọi người sẽ thấy đau đớn hơn. Nhưng khi thư giãn, cơn đau có thể giảm xuổng. Tương tự như vậy, các tiếp xúc cơ thể với người thân có tác dụng làm giảm căng thẳng, do đó, nó cũng có thể làm giảm cảm giác đau.
Trước đây, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tương tác xã hội có thể đồng bộ cả nhịp thở và nhịp tim của mọi người với nhau, cũng như lần này là sóng não.
Cùng lúc đó, những cơn đau thường làm tăng nhịp tim của mọi người. Một cái nắm tay từ người bạn đời có thể làm chậm nhịp tim của người chịu đau xuống, giúp họ bình tĩnh và giảm chú ý vào cơn đau.
Một khả năng khác cũng có thể giải thích hiện tượng là bản thân hiệu ứng đồng cảm và đồng bộ hóa sóng não vốn đã dễ chịu, nó kích hoạt các khu vực tưởng thưởng của não bộ, do đó gây ra tác dụng giảm đau.
Nhưng cuối cùng, dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, các quan sát của giáo sư Shamay-Tsoory và nhóm nghiên cứu của mình đã cho thấy: Một cái nắm tay từ người bạn đời có thể hoạt động giống như một liều morphine cho nỗi đau của bạn. Bạn nên đến bệnh viện cùng người yêu của mình, hoặc nếu không có, hãy đi cùng người bạn yêu thương nhất, mẹ chẳng hạn.
Theo GenK
" width="175" height="115" alt="Khoa học chứng minh: Nắm tay có thể san sẻ được nỗi đau, đó là khi sóng não chúng ta được đồng bộ" />