Trận đánh lớn nhất lịch sử chiến tranh diễn ra như thế nào?
Mục tiêu của chúng là đánh chiếm thành phố Stalingrad,ậnđánhlớnnhấtlịchsửchiếntranhdiễnranhưthếnàmancity phá vỡ giao thông trên sông Volga và làm chủ hoàn toàn vùng lãnh thổ bên phải Volga.
Đến ngày 17/7/1942, Tập đoàn quân (TĐQ) Đức số 6 của Paulus đã tiến sát tuyến phòng thủ chủ yếu của Hồng quân do TĐQ 62 thuộc Phương diện quân (PDQ) Stalingrad đảm nhiệm, và thực hiện ý đồ bao vây tiêu diệt đơn vị này nhằm đột phá vào Stalingrad, thậm chí vượt sông Đông.
Tất cả những ai có thể cầm súng chiến đấu đều được điều về bảo vệ Stalingrad. Ảnh: Tass |
Một giờ đêm 27/7, Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin phái Tổng tham mưu trưởng A. Vasilyevsky bay đến mặt trận trực tiếp chỉ đạo và giúp PDQ Stalingrad tổ chức phòng thủ thành phố. Ngày 28/7, với tư cách là Dân uỷ Quốc phòng, Stalin kí Chỉ lệnh số 227 nêu rõ “... Nếu cứ rút lui, chúng ta sẽ không có lúa mì, không có nhiên liệu, không có kim loại, không có nhà máy và công xưởng, không có đường sắt. Khẩu hiệu chủ yếu lúc này của chúng ta là: Không được lùi một bước”.
Những cố gắng và hi sinh của bộ đội đã mang lại kết quả. Địch bị rối loạn trong hành động và tạm thời đánh mất khả năng tiến công, không bao vây được TĐQ 62 mà âm mưu chiếm các bến vượt sông Đông và nhằm tới Stalingrad cũng phá sản.
Bộ Tổng chỉ huy Đức quyết định điều cánh quân vốn đang tiến công theo hướng Kavkaz quay ngoặt xuống phía Nam, cùng cánh quân phía Bắc kẹp toàn bộ Stalingrad vào gọng kìm thép khổng lồ.
Ngày 6/8, quân Đức chuyển sang tiến công. Địch tăng cường sức ép. Hồng quân chiến đấu anh dũng nhưng tình hình ngày một nghiêm trọng. TĐQ 62 bị cắt đứt khỏi các đơn vị khác. Lực lượng Hồng quân hiện có ở Stalingrad không đủ để đánh tan quân địch, cần phải có viện binh.
Ngày 12/9/1942, Hitler quyết định tạm dừng tiến công và chọn “giải pháp trung bình” cho trận Stalingrad. Theo đó, không đặt vấn đề chiếm hẳn thành phố, mà làm cho nó mất hết ý nghĩa là một trung tâm công nghiệp quốc phòng và đầu mối giao thông quan trọng, khi có thời cơ thì lập tức tiến công cơ động qua tuyến cuối cùng được vạch ra trong “giải pháp trung bình”.
Trận chiến Stalingrad được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng và bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh: Tass |
Cùng ngày, Stalin có cuộc họp với các tướng G. Zhukov và A. Vasilyevsky. Ba người thống nhất tổ chức phản công, chọc thủng phòng tuyến địch và bao vây tiêu diệt cánh quân Stalingrad của chúng. Quân Đức sẽ phải thực hiện một mũi đột kích từ ngoài vào để giải vây. Khi đó, Hồng quân sẽ bủa vây bằng hai lớp – lớp trong là tuyến bao vây trực tiếp, lớp ngoài là tuyến đánh địch đột kích từ bên ngoài.
Ngày 19/11/1942 bắt đầu giai đoạn 2 của trận đánh, Hồng quân chuyển sang phản công. Sau khi đập tan tuyến phòng thủ hai bên sườn quân địch, Hồng quân phát triển tiến công theo hai hướng và đến ngày 23/11 thì hai cánh quân này gặp nhau, tạo thành một vòng tròn vây chặt 22 sư đoàn quân Đức cùng 160 đơn vị lẻ gồm 330 nghìn quân. Quân Đức phá vây, nhưng các mũi đột kích bị nghiền nát.
Từ ngày 16 đến ngày 30/12, Hồng quân đập tan TĐQ Sông Đông mới được Bộ Chỉ huy Đức vội vã thành lập. Ngày 10/1/1943, Hồng quân bắt đầu chiến dịch Chiếc vòng, lần lượt tiêu diệt quân địch ở phía Tây rồi phía Nam vòng vây, tiếp đó chia cắt quân địch còn lại làm hai mảng để xoá sổ từng mảng một.
Ngày 31/1, cánh quân Đức ở phía Nam do Paulus chỉ huy ngừng kháng cự. Ngày 2/2, cánh quân phía Bắc đầu hàng nốt. 91.000 sĩ quan và binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh, gần 140.000 tên bị tiêu diệt trong chiến dịch Chiếc vòng. Còn nếu tính toàn bộ giai đoạn 2 thì phía Đức mất 800.000 quân, 2.000 xe tăng, 10.000 pháo và súng cối cùng 3.000 máy bay.
Trận Stalingrad là trận đánh khổng lồ nhất trong Thế chiến 2 và lịch sử chiến tranh nói chung. Số quân Đức bị tiêu diệt, bị thương, bị bắt làm tù binh và mất tích lên đến 1,5 triệu tên, tức một phần tư binh lực trên mặt trận Xô - Đức.
Chiến thắng Stalingrad tạo bước ngoặt quyết định cho Chiến tranh Vệ quốc và Thế chiến 2. Từ đây, Hồng quân Liên Xô giành được ưu thế chiến lược. Thất bại ở Stalingrad làm rung chuyển cả nước Đức, làm các nước chư hầu mất lòng tin vào Đức. Trong khi đó, phong trào chống phát xít ở các nước bị tạm chiếm được khích lệ, bổ sung nguồn năng lượng mới.
Nguyên Phong