Wozniak và Jobs thời trẻ
Đến khi lên cấp 3, sở thích của Wozniak chính là vọc vạch lại những linh kiện điện tử bên trong máy móc. Ông cũng rất thích chơi khăm nhà hàng xóm bằng một thiết bị gây nhiễu sóng tivi với chỉ một nút bấm. Khi đó, ông sẽ lừa người ta rằng tivi nhà họ chỉ xem được nếu xoay ăng-ten bằng một chân.
Tính cách có phần quái dị khiến Wozniak không có nhiều bạn bè ở trường nhưng nhanh chóng trở nên thân thiết với Steve Jobs, người cũng say mê máy móc và chọc phá người khác.
Kết thúc cấp 3, Wozniak ghi danh ở Đại học Colorado nhưng sau đó phải học năm thứ hai ở Cao đẳng De Anza vì học phí đắt đỏ. Tốt nghiệp, ông làm việc ở tập đoàn Hewlett-Packard (HP).
Năm 1976, Steve Jobs tìm gặp người bạn cũ Wozniak để nhờ ông làm giúp máy chơi game thùng có tên gọi Breakout. (một máy chỉ chơi được một game duy nhất vào thời đó, gọi là máy chơi game thùng - PV)
Khi đó, Steve Jobs được ông chủ của Atari trả tiền công 750 USD cùng với phần thưởng cho mỗi ít hơn 50 bảng mạch phải dùng để hoàn thiện cỗ máy này. Các kỹ sư của Atari khi đó phải đi mạch trung bình 150-170 trên mỗi chiếc máy chơi game thùng.
Wozniak bèn bắt tay vào làm cùng Jobs như điên trong 4 ngày không ngủ. Cuối cùng đem đến cho Atari kết quả là cỗ máy chơi game thùng chỉ sử dụng 44 bảng mạch. Thiết kế gốc ban đầu mà Wozniak vạch ra là dùng 42 bảng mạch, nhưng cuối cùng vì quá mệt nên ông đành tặc lưỡi dùng 44 bảng mạch.
Điều thú vị ở đây là, Steve Jobs chia 50/50 cho Wozniak từ số tiền công 750 USD, nhưng lờ đi khoản thưởng vì dùng số bảng mạch ít hơn gấp 3 lần các kỹ sư Atari. 10 năm sau ngày đó, Wozniak mới tình cờ biết được có số tiền thưởng này nhưng Jobs cũng rất lịch sự nói rằng nếu anh cần tôi sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi.
Để có tiền sáng lập Apple, Wozniak đã phải cắn răng bán đi chiếc máy tính bỏ túi HP-65 (trị giá 500 USD vào hồi đó) còn Jobs cũng phải bán đi con xe bus VW Microbus (1.500 USD) và dùng xe đạp đi làm.
Cả hai bắt đầu sáng chế máy tính thân thiện người dùng trong phòng ngủ trước khi phải chuyển ra ga-ra để xe ở nhà của Jobs. Khi đó, Wozniak phụ trách thiết kế sản phẩm còn Jobs lo việc kinh doanh và vận hành doanh nghiệp.
Wozniak và Jobs đem chiếc Apple I đến 'khoe' ở CLB Máy tính tự chế
Sản phẩm đầu tay của Wozniak chính là Apple I, cỗ máy được mệnh danh là thiết bị tự chế tại nhà. Chiếc máy này được bán cho dân nghiền máy tính và được ‘show ra’ lần đầu ở CLB Máy tính tự chế ở Palo Alto, California.
Không giống như các máy tính thời đó được ‘gói ghém’ trong một cái thùng gỗ, thiết kế của Apple I còn nguyên cả bảng mạch và người mua phải mua thêm thùng máy, nguồn, bàn phím và màn hình.
Nhờ khả năng thương thuyết tuyệt vời của Steve Jobs, chiếc máy Apple I đời đầu do chính tay Wozniak thiết kế có mức giá chỉ 666,66 USD. Mức giá này rẻ hơn đáng kể so với những chiếc máy tính cùng thời của IBM hay HP có giá cả nghìn USD. Wozniak chọn mức giá này bởi ông thích những con số lặp lại và bởi vì mức giá chỉ bằng ⅓ chi phí thiết kế.
Dù không thành công với Apple I, Wozniak vẫn tiếp tục bắt tay vào làm Apple II, được bán ra thị trường vào tháng 06/1977. Thời điểm đó, Apple II là một cỗ máy tính cá nhân mang tính cách mạng khi nó sở hữu bộ vi xử lý trung tâm, bàn phím, màn hình màu và ổ đĩa mềm.
Cả về mặt thiết kế lẫn lắp ráp thì Apple II trông gọn gàng và đẹp đẽ hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm. Với mức giá hấp dẫn chỉ 1.298 USD, khoảng 50.000 máy Apple II đã được bán ra thị trường chỉ sau 2 năm chào sân.
Đến năm 1982, con số được báo cáo là 750.000 máy Apple II được bán ra. Nhờ đó, giá trị của Apple cũng tăng vọt lên 985 triệu USD vào năm 1983.
Apple II khá gần với thiết kế của một chiếc máy tính hiện đại ngày nay
Đến năm 1984, Wozniak vẫn còn trợ giúp cho việc thiết kế ra Apple Macintosh nhưng đến năm 1987 đã không còn chính thức làm việc cho Apple nữa. Thời điểm đó, ông đã phải trải qua một cú sốc từ vụ tai nạn máy bay kinh hoàng.
Dù vậy, Wozniak chưa bao giờ chính thức rời khỏi Apple bởi ông vẫn có tên trong danh sách nhân viên chính thức với mức lương thực nhận khoảng 120.000 USD mỗi năm. Mặc dù là một cổ đông sáng lập Apple, tài sản ròng của ông thực tế chỉ vào khoảng 100 triệu USD.
Sau khi thôi làm việc ở Apple, Wozniak có sáng lập một vài công ty công nghệ nhưng không cái nào có được tác động lên thị trường giống như trong quá khứ. Cái đầu tiên là CL 9 tập trung vào thiết kế điều khiển từ xa và dự án cuối cùng là Wheels of Zeus sử dụng công nghệ GPS để định vị đồ vật.
Ngoài công việc chuyên môn, Wozniak còn làm từ thiện, tổ chức hòa nhạc ở Mỹ, thành lập tổ chức bảo vệ quyền con người ở kỷ nguyên số, tài trợ cho các viện bảo tàng.
Wozniak vừa trải qua sinh nhật tuổi 70
Wozniak vẫn duy trì tình bạn với Steve Jobs cho tới khi vị thuyền trưởng của Táo khuyết qua đời năm 2011, dù rằng vào năm 2006 ông thừa nhận tình bạn với Jobs không còn sâu đậm như trước nữa.
Wozniak chưa bao giờ tuyên bố mình sáng tạo ra khái niệm máy tính cá nhân. Dù máy tính đã được bán ra thị trường từ thập niên 1960s, nhưng máy tính gia đình với các thành phần cấu kiện rời (như CPU, ổ cứng, màn hình, bàn phím) chưa bao giờ được bán ra thị trường với số lượng khủng khiếp như Apple II.
Nếu bất cứ ai có thể mạnh miệng tuyên bố mình là cha đẻ của máy tính hiện đại ngày nay, thì đó chỉ có thể là người đàn ông mà chúng ta biết với cái tên: Steve Wozniak.
Phương Nguyễn (theo Macworld)
Steve Jobs chỉ ra điểm khác biệt lớn nhất giữa thiên tài và một kẻ mộng mơ
Theo Steve Jobs, một người cần phải dám hành động và sẵn sàng chịu thất bại nếu không bạn sẽ không thể phát triển.
">