Dinh dưỡng cân bằng - Ăn trong tỉnh thức của Ths.Bs Đặng Ngọc Hùng, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình khám phá và thấu hiểu mối quan hệ này.Tôi phải thú nhận rằng, trước khi đọc quyển sách, tôi chỉ coi ăn uống là một nhu cầu sinh lý đơn thuần. Nhưng cuốn sách của Ths.Bs Đặng Ngọc Hùng đã thực sự thay đổi cách tôi nhìn nhận về điều này.
Với lối viết gần gũi không quá thiên về y học, tác giả đã “vô tình” dẫn dắt tôi vào một hành trình khám phá đầy bất ngờ về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe. Tôi như được "vỡ lẽ" ra nhiều điều, từ việc hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những thói quen ăn uống của mình, cho đến việc nhận ra những sai lầm trong chế độ ăn hàng ngày mà tôi đã vô tình mắc phải.
Ngay từ những trang đầu tiên, cuốn sách đã dẫn dắt tôi vào một cuộc hành trình đầy thú vị, bắt đầu từ việc tìm hiểu về quá trình tiến hóa của loài người liên quan đến việc hình thành thói quen ăn uống trong quá trình sinh hoạt. Từ đó khám phá ra lịch sử dinh dưỡng như quá trình khám phá ra Vitamin nhóm B, Omega,... Tác giả khéo léo lồng ghép kiến thức khoa học với những câu chuyện gần gũi, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ thông tin.
 |
Sách Dinh dưỡng cân bằng. |
Từ hiểu biết đến chữa lành
Phần hai của cuốn sách như cánh cửa mở ra, đưa tôi đến với thế giới diệu kỳ của mối quan hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe. Tác giả không chỉ đơn thuần liệt kê các dưỡng chất cần thiết, mà còn khơi gợi trong tôi niềm tin mãnh liệt vào khả năng tự chữa lành kỳ diệu của cơ thể.
"Thực phẩm đưa vào cơ thể sẽ cung cấp năng lượng cho quá trình trao đổi chất, xây dựng và sửa chữa mô, điều chỉnh các chức năng sinh lý và bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật".
Thật vậy, mỗi bữa ăn không chỉ là hành động nạp năng lượng, mà còn là quá trình nuôi dưỡng và tái tạo từng tế bào, từng mô trong cơ thể, giúp tôi thêm trân trọng những gì mình dung nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Đặc biệt, chương 5 "Dinh dưỡng cân bằng - Ăn trong tỉnh thức" là kim chỉ nam giúp tôi xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Cụm từ "ăn trong tỉnh thức" đã đánh thức tôi khỏi những bữa ăn vội vã, vô thức trước đây. Tôi học được cách lắng nghe cơ thể, nhận biết những tín hiệu đói no, và lựa chọn thực phẩm một cách thông minh, cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng.
"Tinh bột - đường (Carbohydrate) - nguồn cung năng lượng trực tiếp... Chất béo - thành phần không thể thiếu trong cấu tạo và chuyển hóa... Đạm - nguồn dưỡng chất quý bậc nhất nhưng đừng lạm dụng".
Tác giả đã khéo léo so sánh các chất dinh dưỡng như những "nhân vật" trong một vở kịch, mỗi nhân vật đều có vai trò riêng, không thể thiếu và cần được cân bằng để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
Những cạm bẫy trên bàn ăn
Đọc đến phần này, tôi như được "mở mắt" trước những nguy cơ tiềm ẩn trong thực phẩm hiện đại. "Thực phẩm hiện đại thường chứa nhiều năng lượng nhưng lại thiếu các vi chất cần thiết", một sự thật đáng báo động mà tôi chưa từng nhận thức rõ ràng đến thế.
Tác giả đã chỉ ra những "cạm bẫy" mà chúng ta thường mắc phải, từ việc lạm dụng gia vị, phụ gia thực phẩm đến việc lựa chọn những phương pháp chế biến không lành mạnh. Những thông tin này không chỉ là lời cảnh tỉnh mà còn là động lực để tôi thay đổi thói quen ăn uống, hướng đến những bữa ăn "sạch", an toàn và giàu dinh dưỡng hơn.
Hành trình vươn tới tương lai
Phần cuối của cuốn sách mở ra một cánh cửa mới về tương lai của dinh dưỡng, nơi mà khoa học và công nghệ đang từng bước thay đổi cách chúng ta ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Từ dinh dưỡng cá nhân hóa đến khám phá vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột, những kiến thức mới mẻ này đã giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực dinh dưỡng.
“Dinh dưỡng không chỉ là vấn đề ăn uống để tồn tại. Dinh dưỡng thực chất là triết lý về mối liên hệ thiêng liêng giữa con người và vũ trụ. Nó giải mã nguồn gốc sự sống, thành phần vạn vật và cách thức tự nhiên nuôi dưỡng ta. Qua dinh dưỡng, ta vừa khám phá thế giới, vừa tự khám phá bản thân - một tổng thể nguyên tố hình thành từ những gì đến từ môi trường. Từ đó chúng ta hiểu rằng, con người chính là sự tổng hòa của vũ trụ. Cuối cùng, ta là tất cả, tất cả là ta".
Câu nói xuất hiện ở bìa sau quyển sách như một lời thức tỉnh, lay động tâm hồn tôi. Nó vượt xa khỏi những hiểu biết thông thường về dinh dưỡng, mở ra một cánh cửa mới để chiêm nghiệm về sự sống và mối liên hệ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên.
Đọc câu nói này, tôi cảm thấy mình như được kết nối với một dòng chảy vô tận của sự sống, nơi mà mỗi bữa ăn không chỉ là hành động nạp năng lượng, mà còn là một nghi thức thiêng liêng, một cách để hòa mình vào vũ trụ bao la. Nó nhắc nhở tôi rằng, cơ thể tôi được hình thành từ những gì tôi hấp thụ từ môi trường, và bằng cách lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, lành mạnh, tôi đang nuôi dưỡng không chỉ cơ thể mà còn cả tâm hồn của chính mình.
Dinh dưỡng cân bằng - Ăn trong tỉnh thức không chỉ là một cuốn sách về dinh dưỡng, mà còn là một hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm một cuốn sách để hiểu rõ hơn về dinh dưỡng và thay đổi cách ăn uống của mình, tôi thực sự khuyến khích bạn đọc quyển sách này. Đây không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình chăm sóc sức khỏe của bạn.
Bài viết của độc giả Hà Thiên Tân, gửi từ email "ha...69@gmail.com".
" alt="Sự thật bị lãng quên về khả năng tự chữa lành kỳ diệu của cơ thể"/>
Sự thật bị lãng quên về khả năng tự chữa lành kỳ diệu của cơ thể

Ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm lĩnh vực xuất bản. Trong bối cảnh này, việc tham khảo bài học từ các nước để có một tham chiếu cho Việt Nam là rất cần thiết.
Hiện nay, chiết khấu (nói cách khác là giá bán cuối cùng đến khách hàng) là một vấn đề mà các đơn vị xuất bản cũng như các đại lý, nhà phát hành tại Việt Nam đang phải đối mặt. Tình trạng mạnh ai nấy bán, không chịu bất kỳ sự kiểm soát giá cả nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống đại lý phát hành và đẩy các đơn vị xuất bản vào cuộc chạy đua chiết khấu không hồi kết.
Trên thế giới, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia có nền xuất bản phát triển. Trong đó, một số nước đã lựa chọn xây dựng hệ thống giá sách cố định, được luật hóa và bảo vệ bằng các chế tài pháp luật.
Mục đích của giá sách cố định (Fixed book price - FBP) là ấn định mức giá bán sách thống nhất, bảo vệ lợi ích của các nhà xuất bản và hiệu sách độc lập, duy trì sự ổn định của thị trường, ngăn chặn các doanh nghiệp lớn lạm dụng sức mạnh kinh tế của mình; khuyến khích sự gia tăng lợi thế cạnh tranh bằng đầu tư vào chất lượng, nội dung và sự sáng tạo trong các hình thức quảng bá sản phẩm.
FBP hướng đến bảo vệ lợi ích của các nhà xuất bản và hiệu sách độc lập, duy trì sự ổn định của thị trường, ngăn chặn các doanh nghiệp lớn lạm dụng sức mạnh kinh tế; khuyến khích đầu tư vào chất lượng, nội dung và quảng bá sáng tạo để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Hệ thống FBP là cơ chế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm ấn định mức giá bán sách thống nhất, trong đó có Hàn Quốc. Tại đây, FBP đã qua nhiều giai đoạn phát triển và điều chỉnh.
 |
Ảnh chụp tại Hội sách Jeju 2023. Ảnh: Korea Herald. |
Quá trình phát triển của FBP tại Hàn Quốc
Hàn Quốc bắt đầu thực thi hệ thống giá sách cố định vào năm 1977khi một nhóm các nhà xuất bản và hiệu sách đạt thỏa thuận bán sách theo giá niêm yết đã được ấn định. Đến năm 1980, Đạo luật điều tiết độc quyền và thương mại công được ban hành, cấm hành vi duy trì giá bán lại (resale price) đối với mọi sản phẩm, nhưng ngoại trừ sách và một số mặt hàng đặc thù khác. Điều này đã thúc đẩy việc áp dụng FBP trên toàn quốc, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các hiệu sách.
Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1990, sự xuất hiện của các trung tâm mua sắm lớn và nhà sách trực tuyến đã tạo nên thách thức lớn đối với việc duy trì giá sách cố định. Các nhà bán lẻ này đã giảm mạnh giá sách, khiến FBP trở nên kém hiệu quả.
Đến cuối thập kỷ 1990, FBP gần như trở nên vô dụng khi không có luật nào điều chỉnh kênh phân phối mới này. Để đối phó với sự thay đổi của thị trường, các nhà xuất bản và hiệu sách Hàn Quốc đã vận động thành công yêu cầu sửa đổi luật vào năm 2002, trong đó bắt buộc áp dụng FBP.
Bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử FBP của Hàn Quốc diễn ra vào tháng 11/2014, khi chính phủ thông qua một cuộc cải cách lớn. Theo luật mới, tất cả sách giấy và sách điện tử, không phân biệt thời điểm xuất bản, đều bị giới hạn mức chiết khấu và khuyến mãi tặng thưởng đi kèm trong phạm vi 15% so với giá cố định.
Trong đó, mức giá chiết khấu không được vượt quá 10% so với giá cố định; còn ưu đãi tặng thưởng không được vượt quá 5% (bao gồm chính sách tích điểm cho khách hàng thân thiết). Vi phạm quy định này có thể bị phạt lên đến 5 triệu won.
Điều này nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các nhà bán lẻ và đảm bảo sự ổn định trong ngành xuất bản. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ đối với các hội chợ sách, nơi một số mức chiết khấu nhất định được phép áp dụng.
Điều khoản kể trên nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh về giá quá mức giữa các nhà xuất bản, tạo cơ hội bình đẳng giữa các nhà phát hành lớn và các nhà phát hành nhỏ, giúp củng cố và đa dạng hóa hệ thống phát hành, từ đó mở rộng quyền tiếp cận sách cho người đọc.
FBP đã tạo nhiều tác động tích cực đến thị trường xuất bản Hàn Quốc, giúp củng cố thị trường sách và làm chậm lại sự suy giảm của các hiệu sách truyền thống. Nhưng trong bối cảnh xuất bản số, một số khía cạnh của FBP vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhận nhiều phản ứng trái chiều.
Các hiệu sách độc lập và nhà xuất bản nhỏ cho rằng FBP là công cụ cần thiết để bảo vệ ngành sách khỏi sự chi phối của các tập đoàn lớn và bảo vệ sự đa dạng của các xuất bản phẩm.
Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng và các nhà sách trực tuyến cho rằng FBP tuy duy trì sự ổn định nhưng cũng giới hạn khả năng chiết khấu, làm giảm sức hấp dẫn của sách và cản trở việc tiếp cận của người có thu nhập trung bình và thấp.
 |
Hình ảnh tại hiệu sách độc lập Spain Book shop tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald. |
Thách thức đòi hỏi đánh giá và điều chỉnh
Một vấn đề nổi cộm khác mà FBP tại Hàn Quốc phải đối mặt là sự bùng nổ của thị trường sách điện tử và sự ra đời của dịch vụ thuê bao. Các gói dịch vụ thuê bao như Kindle Unlimited của Amazon cho phép người dùng đọc không giới hạn hàng ngàn đầu sách với chi phí rất thấp.
Ở các quốc gia không có FBP, dịch vụ này không gây nhiều vấn đề. Nhưng ở Hàn Quốc, nơi áp dụng FBP, các dịch vụ này gây ra xung đột pháp lý. Theo luật, sách điện tử phải được bán với giá niêm yết đầy đủ nếu mua riêng lẻ. Song việc sách điện tử được cung cấp với mức giá gần như miễn phí trong các gói thuê bao dẫn đến tranh cãi về tính hợp pháp.
Ngoài ra, các nhà sách lớn trực tuyến tại Hàn Quốc thường tận dụng tối đa mức chiết khấu trần 15%. Trong khi đó, hiệu sách nhỏ hơn không đủ khả năng làm điều tương tự, dẫn đến bất công trong việc áp dụng chính sách.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét lại luật FBP, với kế hoạch đánh giá 3 năm một lần để đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Trong quá trình đánh giá, các phiên điều trần công khai đã được tổ chức để thu thập ý kiến từ các bên liên quan, từ các nhà xuất bản, hiệu sách đến độc giả.
Một phiên điều trần công khai vào tháng 9/2019 với sự tham gia của nhiều bên đã nhấn mạnh rằng dù FBP có những lợi ích rõ rệt, nhưng cũng cần những cải tiến để phản ánh sự thay đổi của thị trường.
Khảo sát do KOPUS thực hiện vào năm 2020, nhắm tới 1.001 hiệu sách và nhà xuất bản trên toàn quốc, cho biết: lần lượt 64,7% và 19,9% người tham gia trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi liệu hệ thống có giúp thúc đẩy các hiệu sách địa phương; lần lượt 67,3% và 16,3% trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi về tính hữu ích của hệ thống; lần lượt 61,3% và 19,8% trả lời "Có" và "Không" với câu hỏi liệu hệ thống có giúp làm chậm quá trình già hóa của các hiệu sách địa phương.
Trong khi chính phủ Hàn Quốc đánh giá và cân nhắc sửa đổi luật, thị trường sách vẫn đang tiếp tục thay đổi nhanh chóng, với sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số và các mô hình kinh doanh mới. Một thách thức lớn là làm sao để duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ các nhà xuất bản và hiệu sách độc lập với nhu cầu giá cả hợp lý và lựa chọn đa dạng của người tiêu dùng.
Những thay đổi sắp tới có thể bao gồm việc điều chỉnh mức chiết khấu cho sách điện tử và các quy định rõ ràng hơn về các gói thuê bao. Đồng thời, cần có các giải pháp linh hoạt hơn để đảm bảo rằng FBP không chỉ bảo vệ ngành sách mà còn phải phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.
Nhìn chung, FBP tại Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về việc áp dụng chính sách bảo vệ ngành sách trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Việc tiếp tục điều chỉnh và phát triển chính sách này sẽ giúp Hàn Quốc duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của ngành sách và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
" alt="Bài học từ việc thiết lập mức giá sách cố định ở Hàn Quốc"/>
Bài học từ việc thiết lập mức giá sách cố định ở Hàn Quốc