Cơ quan Công an thu giữ dung môi và hóa chất chế tạo xăng giả trong vụ án |
Lý giải về việc kiểm soát nguồn đầu vào tại các cửa hàng xăng dầu, vị cán bộ này cho biết thêm, hiện có 17 tổng đại lý cung cấp xăng dầu cho hơn 240 cửa hàng trên toàn tỉnh Đắk Nông.
“Ban đầu, các cửa hàng xăng dầu đăng ký để Sở biết được đầu mối cung cấp đầu vào. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, các cửa hàng này thay đổi liên tục đầu mối và phải xin cấp phép lại. Việc kiểm tra các cây xăng này có liên quan đến nhiều sở, ban, ngành bởi nó thuộc nhiều lĩnh vực. Một số cây xăng bị phát hiện buôn bán xăng giả nhưng chưa thanh tra, kiểm tra lần nào”, vị cán bộ này thông tin thêm.
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, qua quá trình điều tra, các nhân viên quản lý cửa hàng xăng dầu đều thừa nhận biết việc nhập xăng giả, xăng kém chất lượng về bán ra thị trường nhưng vì được chiết khấu cao nên “nhắm mắt làm ngơ”.
“Điển hình như vào thời điểm kiểm tra tại cửa hàng xăng dầu Vinh Quang (tổ dân phố 4, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa) do Công ty TNHH một thành viên Vinh Quang Đắk Nông làm chủ, cơ quan chức năng phát hiện tại đây có chứa 10m³ xăng dầu giả. Mở rộng điều tra, còn phát hiện 2 cây xăng dầu khác ở huyện Đắk RLấp và huyện Đắk Song cũng sử dụng loại xăng này”, Đại tá Quy thông tin.
Theo giới kinh doanh xăng dầu tại Đắk Nông, đường dây mua bán xăng dầu “trôi nổi”, xăng dầu không hóa đơn này tồn tại khá lâu. Nhiều chủ cây xăng đã được mời chào mức thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Các cửa hàng nếu bán ra có thể lãi từ 2.000-3.000 đồng mỗi lít, thậm chí nhiều hơn.
Trong khi xăng nhập chính thức qua hệ thống phân phối lãi nhiều nhất cũng chỉ có vài trăm đồng mỗi lít. Nhiều chủ kinh doanh xăng dầu cho biết xăng loại này có thể được pha chế không đúng quy định, xăng không đúng quy cách (xăng A83 nhưng được khai là A95), xăng nhập lậu bằng đường của tàu cá hoặc qua biên giới.
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện Bộ Công an cùng Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án sản xuất, kinh doanh xăng giả đặc biệt nghiêm trọng, có quy mô cực lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành.
“Đến nay, Công an Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can trong vụ án này lên 23 người. Về việc các cửa hàng tiếp tay cho việc tiêu thụ xăng giả, khi làm rõ sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí sau”, Đại tá Tuyến nói.
Sai phạm có tổ chức
Ngày 10/6, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, các cơ quan chức năng sẽ họp để báo cáo UBND tỉnh về trường hợp của ông Trịnh Sướng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (My Hung Petrol).
Theo cơ quan điều tra, ông Sướng và các bị can khai bắt đầu pha dung môi vào xăng từ 1/1/2017. Như vậy, đến ngày bị bắt, đường dây sản xuất, mua bán xăng giả của ông này có thời gian hoạt động là 29 tháng. Cơ quan điều tra xác định, mỗi tháng ông Sướng cùng đồng phạm tung ra thị trường 6 triệu lít xăng giả, tính sơ đã có 174 triệu lít xăng giả đến tay người tiêu dùng.
Một chủ kinh doanh xăng dầu ở phường 3 (TP Sóc Trăng) nhẩm tính: “Chỉ tính đơn giản, mỗi lít xăng được bán với giá 20.000 đồng thì nhóm của Trịnh Sướng thu về khoảng 3.480 tỷ đồng. Trừ hơn 3.000 tỷ đồng mua dung môi và các chi phí khác, nhóm này bỏ túi khoảng 135 tỷ đồng.
Ngày 10/6, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đại lý xăng dầu trên địa bàn tỉnh và cũng có phát hiện một số đơn vị sai phạm, đã xử lý theo qui định”.
Theo báo cáo của Sở KH&CN Sóc Trăng, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn do lường chất lượng và Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thanh tra nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, phát hiện một số cơ sở vi phạm.
Cụ thể, năm 2017, thanh tra 31 cơ sở, phát hiện 7 cơ sở vi phạm (1 cơ sở không niêm yết giá bán lẻ; 2 cơ sở vi phạm đo lường, trong đó có 1 cơ sở của Công ty Gia Thành, đại diện pháp luật là bà Trương Như Tuyết, em vợ ông Sướng, số 33 Huỳnh Văn Chính, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, với tên gọi là kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng.
Đây cũng chính là địa điểm mà cơ quan Công an đã khám xét trước đó); 1 cơ sở kinh doanh xăng RON95-II có chất lượng không phù hợp qui chuẩn kỹ thuật quốc gia và vi phạm đo lượng; 1 cơ sở vi phạm chất lượng; 1 cơ sở tháo dỡ niêm phong phương tiện đo; 1 cơ sở không chấp hành quyết định thanh tra và bán xăng RON 95-II có chất lượng không phù hợp qui chuẩn kỹ thuật quốc gia; kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu của 4 cơ sở không phát hiện vi phạm. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 133 triệu đồng, truy thu số tiền thu lợi bất chính gần 6 triệu đồng.
Năm 2018, thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu của 57 cơ sở, phát hiện 13 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 349 triệu đồng và không có tên doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng.
Kiểm tra về đo lường chất lượng xăng dầu của 16 cơ sở (trong đó có 1 cơ sở của Công ty Gia Thành của em vợ ông Sướng và kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng), có 3 cơ sở vi phạm và không có tên của công ty em vợ Sướng.
Đầu năm 2019, thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của 15 cơ sở (trong đó có cơ sở của Công ty Gia Thành), chỉ phát hiện 1 cơ sở vi phạm nhưng không phải là Công ty Gia Thành.
Như vậy, trong 30 tháng, có 4 cơ sở có liên quan đến “đại gia” Trịnh Sướng được thanh tra nhưng chỉ có 1 cơ sở vi phạm về đo lường, còn chất lượng luôn đảm bảo (?!). Ngoài nhiều cửa hàng của công ty, tại Sóc Trăng, ông Sướng còn phân phối xăng, dầu cho trên 80 cửa hàng khác (?).
Ngoài làm xăng giả, ngày 27/6/2015, tại sông Hậu, đoạn thuộc ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), lực lượng chức năng phát hiện tàu Đông Hải, số hiệu SG-6532, đang bơm dầu sang một tàu khác.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tàu này đang bơm xăng không rõ nguồn gốc để bán cho Công ty Gia Thành với số lượng 2 triệu lít, trị giá hơn 40 tỷ đồng. Hành vi này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng, riêng số xăng 2 triệu lít được trả lại cho ông Sướng.
Sau đó không lâu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lại phát hiện tàu của ông này chở 200.000 lít xăng trái phép. Ngoài ra, ông này có hẳn một đội xe vận chuyển xăng dầu hàng chục chiếc và nhiều sà lan chở xăng, dầu.
Ngoài ra, ông Sướng còn có thêm 1 kho xăng dầu khác cũng tại thị trấn Mỹ Xuyên; ở thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và đang xây dựng 1 kho xăng dầu được cho có trữ lượng lớn nhất, nhì ở Việt Nam, cùng nhiều kho xăng dầu ở Tiền Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ.
Sau khi ông Sướng bị bắt, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu được cung cấp từ “đại gia” này (với logo My HungPetrol) đã tháo dỡ toàn bộ logo, bảng hiệu có liên quan.
Công an bắt quả tang 2 triệu lít xăng giả đã được tạo ra từ việc pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu liên quan đến đại gia xăng dầu Trịnh Sướng.
" alt="Góc khuất trong đường dây làm giả xăng dầu do ông Trịnh Sướng cầm đầu" width="90" height="59"/>