Giống như Sherlock và Watson hay bánh mì và pa-tê, kể từ năm 2008, Apple đã tạo ra một mối liên kết không thể tách rời giữa iPhone và App Store. Chiến dịch quảng cáo "lúc nào cũng có một ứng dụng cho bạn" của công ty đã thu hút hàng triệu người, thuyết phục họ bỏ tiền ra mua hơn một tỷ chiếc iPhone trong suốt 12 năm qua. Và bởi App Store là nơi duy nhất để tìm chương trình cho iPhone, hàng triệu nhà phát triển cũng lũ lượt tìm đến với Apple. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, gã khổng lồ công nghệ lại phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu họ có đang xây dựng một mô hình kinh doanh độc quyền, đồng thời bị cuốn vào cuộc xung đột pháp lý với nhà phát triển Fortnite là Epic Games xoay quanh cáo buộc lạm dụng quyền lực thị trường.
Vào ngày mai, Apple sẽ mặt đối mặt với Epic trong một phiên toà tại California, liên quan một vấn đề tưởng chừng chẳng có gì đáng nói: xử lý thanh toán và hoa hồng. Nói ngắn gọn: Apple yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của chính họ mỗi khi muốn bán các vật phẩm số trong ứng dụng (IAP), ví dụ như skin dành cho các nhân vật Fortnite, hay một điệu nhảy ăn mừng mỗi khi người chơi dành chiến thắng.
Nhà sản xuất iPhone nói rằng sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của mình sẽ giúp đảm bảo tính an toàn và công bằng, và đổi lại, Apple sẽ thu 30% hoa hồng trên mỗi đơn hàng nhằm góp phần duy trì sự ổn định của App Store. Tuy nhiên, Epic nói rằng chính sách này của Apple mang đậm tính độc quyền, và khoản hoa hồng kia thì quá cao.
Thoạt nghe, vụ kiện trông không khác một cuộc ẩu đả giữa hai công ty về việc ai dành được nhiều tiền hơn khi người dùng mua hàng trong ứng dụng. Nhưng kết quả của vụ kiện có thể thay đổi mọi thứ chúng ta biết không chỉ về App Store, mà còn về cách thức hoạt động của giao dịch di động trên các nền tảng khác như Google Play Store. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để các nhà lập pháp vào cuộc - những người đã và đang xem xét liệu các công ty như Apple và Google có nắm giữ quá nhiều quyền lực hay không.
"Đây là biên giới của luật chống độc quyền" - David Olson, phó giáo sư dạy về chống độc quyền tại Trường Luật Boston cho biết.
Theo Olson, điều khiến vụ kiện này bất thường là việc nó thách thức cách hoạt động của các công ty công nghệ thời hiện đại. Apple luôn đề cao hướng đi "cổng cao rào kín" của mình - trong đó, công ty sẽ phê duyệt mọi ứng dụng muốn xuất hiện trên App Store kể từ năm 2008 - và xem đó là một tính năng của các thiết bị do họ sản xuất, hứa hẹn rằng người dùng có thể tin tưởng bất kỳ ứng dụng nào họ sắp tải về bởi chúng đã được kiểm tra cẩn thận.
Bên cạnh việc yêu cầu 30% phí đối với mỗi giao dịch trong ứng dụng, Apple buộc các nhà phát triển phải tuân thủ các chính sách ngăn chặn thứ mà họ xếp vào loại "nội dung cần cân nhắc", như khiêu dâm, khuyến khích sử dụng chất kích thích, hay miêu tả chân thực cái chết và hành vi bạo lực. Apple còn quét các ứng dụng được đưa lên để tìm kiếm những vấn đề về an ninh và spam.
"Yêu cầu của Apple rằng mọi ứng dụng iOS phải trải qua một cuộc đánh giá hà khắc do con người giám sát - trong đó các chuyên viên đánh giá phụ trách 81 ngôn ngữ khác nhau đảm nhiệm nghiên cứu trung bình 100.000 lượt ứng dụng mỗi tuần - là cực kỳ quan trọng đối với việc duy trì App Store như một nền tảng bảo mật và tin cậy cho người tiêu dùng khám phá và tải phần mềm" - Apple nói trong một hồ sơ.
Về phần mình, Epic khẳng định sự kiểm soát nghiêm ngặt của Apple đối với App Store là phản cạnh tranh và toà án nên buộc công ty phải cho phép sự hoạt động của các app store bên thứ ba cũng như các hệ thống xử lý thanh toán trên điện thoại của hãng. "Apple ngày càng lớn hơn, quyền lực hơn, cực đoan hơn, và nguy hiểm hơn so với các công ty độc quyền trước đây" - Epic nói trong hồ sơ. "Kích thước và tầm với của Apple vượt quá bất kỳ công ty công nghệ nào trong lịch sử".
Epic không là công ty duy nhất đưa Apple ra toà. Dịch vụ stream nhạc Spotify từng khiếu nại lên EU rằng khoản phí 30% của Apple và các chính sách App Store đã vi phạm luật cạnh tranh của EU. Hôm thứ sáu vừa qua, uỷ viên cạnh tranh của EU nói rằng kết quả cuộc điều tra sơ bộ của họ cho thấy người tiêu dùng đang hứng chịu những hậu quả bất lợi vì chính sách của Apple. Apple sẽ có một cơ hội để phản đáp lại kết luận của uỷ ban này trước khi họ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu thất bại, Apple có thể phải nộp án phí lên đến 10% doanh thu thường niên và buộc phải thay đổi chính sách phí đối với các dịch vụ stream, ít nhất là trong phạm vi EU.
Apple còn phải đối mặt với sự dò xét của chính phủ Mỹ. Hồi đầu háng 4, các nhà lập pháp nước này đã tổ chức một phiên điều trần với đại diện từ Apple và Google, cũng như từ Spotify, nhà phát triển ứng dụng hẹn hò Match, và nhà phát triển thiết bị theo dõi Tile. Trong phiên điều trần, cả Spotify và Tile đều khẳng định những hành vi của Apple là độc quyền (và họ cũng chỉ trích Google như vậy).
Nếu Apple thua kiện trước Epic, họ sẽ bị buộc phải thay đổi cách thức phân phối và kiếm tiền từ ứng dụng trên iPhone và iPad.
"Tôi rất hào hứng để xem Apple sẽ tranh luận thế nào" - Olson nói. Các thẩm phán thường do dự trước việc đặt dấu chấm hết cho một mô hình kinh doanh thành công với lý do điều đó có thể thúc đẩy cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm. Nhưng không phải luôn như vậy. "Nếu bạn là một vị thẩm phán, bạn có lẽ sẽ nói rằng ‘tốt, làm luôn đi'" - ông nói thêm.
Có độc quyền hay không?
Các chuyên gia pháp lý và các nhân vật đằng sau phiên toà nói rằng điều khó khăn nhất là Epic sẽ phải chứng minh được người dùng iPhone đã và đang bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Apple.
Luật chống độc quyền tại Mỹ cấm "mọi hợp đồng, liên minh, hay âm mưu nhằm kìm hãm giao thương". Luật này còn cấm "độc quyền, cố ý độc quyền, hay âm mưu hoặc liên minh nhằm tạo thế độc quyền". Uỷ ban Giao dịch Liên bang (FTC) nhấn mạnh một phần quan trọng để có thể phán xét những vấn đề này là liệu một hành vi kìm hãm giao thương có "quá vô lý" hay không.
Trong trường hợp của Apple, hành vi kìm hãm giao thương chính là cách xử lý thanh toán của hãng. Epic và các công ty khác nói rằng yêu cầu của Apple buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của mình chính là độc quyền.
Apple khẳng định khoản hoa hồng đó là công bằng, và do đó cấu trúc xử lý thanh toán của họ không hề vô lý. Apple đã giữ lại 30% hoa hồng kể từ khi App Store ra mắt năm 2008, và nhà sản xuất iPhone nói rằng những chính sách trước đó còn khiến các nhà phát triển ứng dụng mất tiền nhiều hơn. Chưa hết, họ đã thuê hẳn một đội ngũ các nhà kinh tế hoạch để giúp chứng minh rằng hành vi của mình không phải là phản cạnh tranh.
Trong bản báo cáo, các nhà kinh tế mà Apple đã thuê nói rằng khoản hoa hồng 30% giúp hạ "những rào cản xâm nhập thị trường đối với những doanh nghiệp và các nhà phát triển nhỏ lẻ bằng cách tối thiểu hoá những khoản thanh toán đầu vào", và tăng cường cơ chế quảng cáo những ứng dụng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhằm sản sinh lợi nhuận cao về lâu dài. Họ không xem xét liệu những khoản phí này có cản trở sự cải tiến, hay có công bằng hay không, vốn là những vấn đề Epic và các nhà phát triển khác đã đề cập đến.
Thay đổi gây xáo trộn
Cho đến nằm ngoái, Apple và Epic dường như vẫn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp. Apple đã mời nhà phát triển phần mềm này lên sân khấu tại các sự kiện của mình để trình diễn các tựa game như Project Sword (sau này được phát hành dưới tên gọi Infinity Blade).
Nhưng Epic không chỉ là một nhà phát triển nổi tiếng. Họ còn là một công ty luôn thôi thúc ngành công nghệ phải thay đổi. Năm 2017, Epic cho phép người chơi Fortnite trên PlayStation và Xbox được thi đấu với nhau trong một thời gian ngắn. Đây là một tính năng mà Sony luôn miễn cưỡng trong các tựa game phổ biến khác, như Rocket League và Minecraft. Do đó khi Epic xoá bỏ chức năng này, người chơi đã tấn công Sony và bắt đầu một chiến dịch gây áp lực truyền thông xã hội lên công ty. Một năm sau, Sony buộc phải đổi ý.
Năm 2018, Epic mở cửa Epic Game Store dành cho PC nhằm cạnh tranh với ông trùm Valve Steam Store. Tính năng chủ đạo của Epic Game Store là chỉ thu hoa hồng 12% từ các nhà phát triển game, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung 30%. Epic còn mua bản quyền của các tựa game nổi tiếng, buộc các game thủ phải sử dụng cửa hàng của mình nếu muốn chơi các game này, như Borderlands 3, Metro: Exodus, và Shenmu 3.
Tuy nhiên, các game thủ nổi giận với động thái này. Họ không thích phải cài thêm một cửa hàng ứng dụng nữa chỉ để mua một vài game muốn chơi. Họ than phiền rằng cửa hàng của Epic không có tính năng mạng xã hội, đánh giá game, và các tính năng khác được ưa thích trên cửa hàng của Valve. Và nay, họ phải chấp nhận những điều đó nếu muốn mua các tựa game mới siêu hot.
"Tôi ước có một cách dễ dàng hơn để làm điều này" - Tim Sweeney, CEO Epic, nói. Nhưng một khảo sát bởi Hội thảo các nhà phát triển game lại cho thấy sự đồng tình với quan điểm của Sweeney, và một lượng lớn các nhà phát triển game không chắc Steam có xứng đáng được hưởng khoản hoa hồng 30% kia không.
Fortnite đã bị cấm trên các thiết bị iOS sau khi Epic Games lên tiếng thách thức Apple
Dự án Liberty
Mục tiêu tiếp theo của Epic khá lơn. Năm 2019, công ty này tập hợp các nhà lãnh đạo, luật sư, và các chuyên gia quan hệ công chúng để lên kế hoạch đối đầu với Apple. Epic muốn mở cửa hàng ứng dụng và hệ thống xử lý thanh toán của riêng mình trên iPhone. Epic thậm chí còn đặt cho sáng kiến này một cái tên: Dự án Liberty.
Để thực hiện, Epic bắt đầu hạ giá đồng V-Bucks trong Fornite - loại tiền tệ trong game được người chơi sử dụng để mua skin nhân vật và vũ khí. Họ chuẩn bị một chiến dịch trên mạng xã hội với hashtag #FreeFortnite (trả tự do cho Fortnite). Và họ còn giúp thành lập một nhóm luật sư mang tên Liên minh vì Công bằng Ứng dụng (CAF).
Chưa hết, Epic còn tạo ra một chiến dịch marketing với trọng tâm là đoạn video nhại lại quảng cáo Super Bowl nổi tiếng của Apple, nhưng thay vì đề cao Macintosh như một vị cứu tinh trong quảng cáo ngày xưa, Epic gọi Apple là gã anh lớn hắc ám.
Dự án này được tổ chức trong bí mật. Epic không muốn bất kỳ ai - Apple, người dùng… - biết được họ đang dự định làm điều này cho đến khi quyết định thực sự "nhấn nút", theo lời David Nikdel, lãnh đạo hệ thống gameplay trực tuyến của Epic. Dự án Liberty về cơ bản được giữ kín, chỉ tiết lộ những điều cần biết cho những ai cần biết mà thôi.
Vào ngày 13/8, Sweeney gửi một email cho Apple nói rằng sẽ không tuân thủ những hạn chế trong hệ thống xử lý thanh toán của Apple nữa, và kích hoạt một đoạn mã ẩn cho phép người dùng mua V-Bucks trực tiếp từ Epic với giá giảm 20%. Epic làm điều tương tự với Google, và cả hai công ty đã nhanh chóng xoá bỏ Fortnite khỏi cửa hàng ứng dụng ngay trong ngày. Dù Epic kiện cả hai công ty, Dự án Liberty chủ yếu nhắm vào Apple.
"Epic Games đã thách thức sự độc quyền của App Store. Nhằm trả thù, Apple đã chặn Fortnite trên một tỷ thiết bị. Hãy tham gia cuộc chiến để ngăn năm 2020 trở thành năm 1984" - Epic viết trong quảng cáo như vậy.
Trước đại dịch, người ta từng ngồi kín cả sân vận động để xem các giải đấu Fortnite
Cuộc chiến hỗn loạn
Vụ kiện của Apple và Epic sẽ được xử bởi một thẩm phán, không phải một hội đồng thẩm phán. Cụ thể, thẩm phán Yvone Gonzalez Rogers, người giám sát vụ kiện, đã cho biết bà đang đọc kỹ hồ sơ và hiểu được những khía cạnh kỹ thuật trong những tranh cãi của Apple lẫn Epic. Do đó, cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ được giải quyết nhanh hơn so với khi được xét xử bởi một hội đồng thẩm phán - bởi trong hội đồng, tất cả các thành viên sẽ cần phải nhanh nhạy về mặt luật pháp và những chi tiết liên quan.
Bất kể quyết định ra sao, gần như chắc chắn vụ kiện sẽ có những phiên kháng cáo. Và trong quá trình đó, các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý, và các đối thủ của cả hai sẽ quan sát kỹ lưỡng để xem những lập luận giữa Apple và Epic sẽ dẫn đến những nét mới nào trong luật chống độc quyền.
"Những vấn đề liên quan hành vi phản cạnh tranh của các công ty công nghệ đang được lắng nghe bởi cả thế giới" - theo Valarie Williams, đối tác của nhóm chống độc quyền thuộc công ty luật Alston & Bird, nói. "Dù kết cục của vụ kiện Epic Games với Apple sẽ không thể viết lại luật chống độc quyền của Mỹ, nó có thể là bề nổi của một tảng băng chìm".
Với nhiều hệ quả đến vậy, cả hai công ty có thể xem xét thoả thuận trước khi thẩm phán đưa ra phán quyết. Nhưng những người liên quan đến vụ kiện cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, một phần bởi lập luận của cả hai không có nhiều điểm chung.
Apple có thể giảm phí hoa hồng, vốn là điều họ đã thực hiện đối với các dịch vụ subscription và với các nhà phát triển có doanh thu dưới 1 triệu USD/năm.
Nhưng cho phép một dịch vụ xử lý thanh toán khác đặt chân lên iPhone sẽ là một cú tát vào những lập luận của Apple, rằng các quy định chặt chẽ liên quan App Store của hãng được xây dựng nên để bảo vệ và đảm bảo niềm tin cho người dùng của mình. Nếu các nhà phát triển ứng dụng có thể sử dụng bất kỳ hệ thống xử lý thanh toán nào họ muốn, tại sao họ không thể sử dụng các cửa hàng ứng dụng khác nữa?
Epic còn tranh luận rằng giá cả không phải là vấn đề duy nhất họ nhắm đến. Công ty muốn được chọn những công nghệ sử dụng trong tựa game Fortnite của chính mình nữa.
Apple luôn lấy tính bảo mật của App Store làm điểm mạnh để quảng bá iPhone
Đó là lý do tại sao các nhà quan sát trong ngành công nghệ dự đoán vụ kiện sẽ tiếp tục kéo dài. Cả Apple và Epic đều là những công ty lớn, nhiều tiền, và ngoan cố.
"Đây giống như David và Goliath, nhưng nếu nói Goliath và Godzilla thì đúng hơn" - theo Michael Pachter, một nhà phân tích game kỳ cựu tại Wedbush Securities. "Tim Sweeney là một con người có đạo đức, biết đối nhân xử lý, và khá cứng đầu, luôn tin mình đúng, và sẽ làm mọi thứ bởi ông ấy tin mình đúng và đó là điều đúng đắn phải làm"
Pachter dự đoán những lập luận xoay quanh bảo mật của hệ thống xử lý thanh toán mà Apple đưa ra sẽ không có cửa, xét việc Epic đã một lần thành công khi thực hiện thanh toán V-Bucks trên website và nền tảng của chính họ. Và khi Epic phá luật của Apple, Epic không hề tìm cách trở thành một hệ thống xử lý thanh toán cho các game từ các công ty khác; họ chỉ tìm cách bán V-Bucks giống như vẫn làm trong Fortnite trên PC và console mà thôi.
"Tim không nói bạn có thể đến Epic Store và mua tiền trong Clash of Clans hay Candy Crush hay bất kỳ chỗ nào khác. Ông ấy chỉ bán tiền Epic thôi." - Pachter nói thêm.
(Theo VnReview, CNET)
Apple đối mặt với vụ kiện lớn về dịch vụ phim, truyền hình trên iTunes
Nguyên đơn trong vụ kiện tuyên bố việc Apple sử dụng nút 'mua' cho các bộ phim, chương trình truyền hình là "lừa dối" vì công ty có thể tự ý "chấm dứt quyền truy cập" vào nội dung khách hàng đã mua.
">