TS Long khám lại cho anh Đ. trước khi xuất viện
Ban đầu các bác sĩ nhận định đây là ca đau ngực do co thắt mạch vành. Tuy nhiên khi chụp mạch vành, bác sĩ phát hiện nhánh động mạch chính bị tắc hoàn toàn từ gốc xuất phát.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim), được can thiệp đặt 1 stent, hút cục máu đông khỏi mạch vành.
Sau can thiệp, bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu suy tim do tim bị thiếu máu nhiều giờ trước khi đến viện (từ khi khởi phát đến khi cấp cứu là 7 giờ), do đó anh Đ. phải dùng thêm thuốc trợ tim trong 4 ngày đầu. May mắn bệnh nhân khoẻ, không có bệnh nền nên hồi phục nhanh, sau 6 ngày được xuất viện.
Theo TS Long, bệnh nhân đến bệnh viện được can thiệp kịp thời, muộn hơn một chút tình trạng suy tim sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục hạn chế.
Trước khi ra viện, TS Long dặn anh Đ. bỏ hẳn thuốc lá, tăng cường tập thể dục, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, phủ tạng động vật. Sau 2 – 3 tháng sẽ tái khám để đánh giá lại chức năng tim.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi tắc đột ngột hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, đảm nhiệm cung cấp máu nuôi tim làm chết tế bào cơ tim. Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ
TS Long cho biết, anh Đ. là trường hợp trẻ tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim bệnh viện từng cấp cứu. Tuy nhiên tại Việt Nam, ghi nhận ngày càng nhiều người trẻ mắc căn bệnh nguy hiểm này, mới nhất trong TP.HCM ghi nhận 2 bệnh nhân lần lượt mới 17 tuổi và 26 tuổi.
Với bệnh nhân Đ., ngoài hút thuốc, còn hay ăn phủ tạng và lười vận động. Đây là 3 thói quen xấu hàng đầu gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Bản thân anh Đ. chưa từng đi khám sức khoẻ, vì nghĩ mình còn trẻ, không có tiền sử tim mạch hay các bệnh nền khác.
Theo TS Long, trong thuốc lá có chất nicotine là thành phần có hại với mạch máu, làm suy giảm chức năng nội mạc của động mạch vành, động mạch não, từ đó giảm tổng hợp nito oxit là một trong những chất có lợi tránh co thắt mạch.
Khi chức năng nội mạc động mạch bị suy yếu, lòng mạch dễ lắng đọng xơ vữa, nguy cơ gây chít hẹp, tắc động mạch. Nếu mảng xơ vữa không ổn định có thể đứt vỡ hình thành cục máu đông thứ phát, từ đó gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, đột quỵ não.
“Xơ vữa mạch máu là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim. Tuổi càng cao, tỉ lệ xơ vữa mạch máu càng lớn. Trước đây hầu hết bệnh nhân ngoài 40 tuổi mới bị xơ vữa mạch máu nặng gây chít hẹp mạch nhưng hiện độ tuổi này ngày càng trẻ hoá”, TS Long nói.
Nguyên nhân do lối sống, công việc thay đổi, người trẻ đa phần tĩnh tại nhiều, ít vận động, đây là nguyên nhân gây ứ trệ tuần hoàn mạch máu, xơ vữa động mạch, suy tĩnh mạch…
Bên cạnh đó là thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn uống thiếu kiểm soát, ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, đồ ăn nhanh… khiến mỡ máu tăng cao. Trong khi người trẻ cậy khoẻ, lười đi khám sức khoẻ định kỳ nên không phát hiện sớm các bất thường để điều chỉnh kịp thời.
Chiếm một tỉ lệ nhỏ người trẻ tăng mỡ máu do gene gia đình. Những trường hợp này cần hết sức lưu ý để dự phòng vì nguy cơ gặp biến cố tim mạch rất sớm.
Một người bình thường chỉ cần xét nghiệm mỡ máu, siêu âm mạch máu có thể phát hiện sớm các xơ vữa ở mạch cảnh, động mạch.
TS Long lưu ý, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim khá điển hình, đau tức ngực như có vật nặng đè lên, ngộp thở, khó thở. Tình trạng này có thể kéo dài liên tục vài phút, thậm chí có cơn đau kéo dài hơn 10 phút.
Do vậy, bất cứ trường hợp nào bị đau tức ngực trên 10 phút, nghỉ ngơi không đỡ, cần phải đến bệnh viện ngay. Thời gian vàng để cấp cứu nhồi máu cơ tim là trước 2 giờ kể từ khi khởi phát.
Thúy Hạnh
Lý do khiến người đàn ông bị nhồi máu cơ tim khi mới 33 tuổi
Kỹ sư người Trung Quốc lên cơn đau tim khi còn trẻ do chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ.
"> Bác sĩ cảnh báo 3 thói quen khiến người trẻ dễ đột quỵ tim