Với sự đổ bộ của hàng loạt các dự án bất động sản "khủng" trên trục đường Tố Hữu, có lẽ câu chuyện về thị trường địa ốc "ăn theo" hệ thống cơ sở hạ tầng đã chỉ còn là câu chuyện của quá khứ! |
Bùng nổ dự án bất động sản trục đường Tố Hữu. |
Đường Tố Hữu, trước là đường Lê Văn Lương kéo dài được khánh thành từ năm 2010 với kỳ vọng là một tuyến huyết mạch mới, tạo đà phát triển cho khu vực phía tây thành phố Hà Nội, đồng thời, giải tỏa một phần áp lực giao thông cho đường Nguyễn Trãi.
Còn nhớ, thời kỳ đầu khi tuyến đường này mới đi vào hoạt động, rất nhiều các dự án bất động sản (BĐS) đã gây "sốt" trên thị trường nhờ ăn theo hạ tầng giao thông. Dư luận có lẽ chưa thể quên kỷ lục về thanh khoản của 2 dự án căn hộ CT1 và CT2 Trung Văn do Sàn giao dịch BĐS Phú Quý Land phân phối đã đạt tới 100% số căn hộ được bán hết.
Tuy nhiên, "cuộc vui ngắn chẳng tày gang", không bao lâu sau đó, hàng loạt các toà nhà chung cư và khu đô thị mới đã mọc lên bám dọc tuyến đường này, có thể kể đến như khu đô thị mới Dương Nội, Văn Khê, Park City và các tòa chung cư khác như Usilk, The Light, Tây Hà, Bắc Hà... Thậm chí, các tuyến nhánh cắt ngang Tố Hữu như đường Trung Văn (vốn trước đây là đường làng mới được nâng cấp lên đường đô thị) cũng phải gánh thêm lượng người từ các khu đô thị mới xây phía trong như khu VOV Mễ Trì, Trung Văn…
Tính đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kê sơ bộ, dọc hai bên đường Tố Hữu đã có tới 30 - 40 tòa chung cư thuộc gần 20 dự án với chiều cao từ 20 đến trên 30 tầng. Trong đó, những “đại đô thị” lớn như khu đô thị Dương Nội của Công ty Nam Cường với quy mô dân số lên tới 2,5 - 3 vạn người, hay khu Park City với quy mô xấp xỉ 2 vạn người.
Phía trên có thể kể tới các dự án chung cư cao tầng ngay mặt đường của Hải Phát với tổ hợp The Pride gồm 04 tòa tháp cao 35 và 45 tầng (không kể tầng hầm), dự án Bắc Hà, Tây Hà,… với chiều cao từ 20-30 tầng.
Và hệ quả tất yếu của sự vào cuộc quá "quyết liệt" của các đại gia địa ốc là sức nặng đè lên cơ sở hạ tầng. Cũng từ đây, tuyến đường Tố Hữu vốn là mơ ước của người dân và kỳ vọng của TP. Hà Nội không những không thể hoàn thành mục tiêu giảm tải cho đường Nguyễn Trãi, mà còn trở thành “con đường đau khổ”, nỗi ám ảnh cho hàng vạn người dân hàng ngày vì tắc đường nghiêm trọng.
|
Cận cảnh ùn tắc trên đường Tố Hữu
|
Có mặt tại tuyến phố này vào những giờ cao điểm mới có thể thấu rõ nỗi khổ của cư dân. Từng đoàn xe xếp hàng dài chờ đèn đỏ, thậm chí đợi mấy nhịp đèn vẫn chưa thể qua được ngã tư. Trong khi đó, đây lại là tuyến đường gần như độc đạo có chiều dài lên đến hơn 10 km, chính vì vậy, việc ách tắc giao thông một khi đã xảy ra, chắc chắn sẽ rất “khủng khiếp”, nhất là vào những giờ cao điểm.
Nếu như trước đây, việc di chuyển từ đường Lê Trọng Tấn vào Trung tâm TP. Hà Nội theo đường Lê Văn Lương kéo dài chỉ mất khoảng 15 phút đi xe máy thì nay, con số này đã nâng nên khoảng 30 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ nếu xảy ra tắc đường. Có như vậy mới thấy được sức ép của các khu đô thị lên hạ tầng giao thông của khu vực này đang "đáng báo động" như thế nào.
Thế nhưng, điều đáng nói là trong khi quỹ đất dành cho giao thông là "bất động" thì cuộc đua từ những cao ốc chọc trời vẫn ngày càng sôi động, chưa có hồi kết. Đơn cử như Hải Phát vừa mua lại tòa CT1-104 dự án Usilk City, dự án Hà Nội Landmark 51, Park City... cũng đang gấp rút triển khai đưa ra thị trường.
Trước sự đổ bộ đồng loạt của các dự án BĐS, quy hoạch thủ đô có lẽ khó có thể thực hiện được hy vọng của người dân về những con đường thông thoáng. Bên cạnh đó là áp lực dư cung đang cận kề khi tâm lý người mua nhà đang tỏ ra "e ngại"?
Theo Kinh doanh và pháp luật
Cận cảnh ùn tắc trên đường Tố Hữu
">