Nghĩ vì con nhỏ nên tôi cố gắng cuộc sống vợ chồng. Nhưng đến năm ngoái - đỉnh điểm không chịu đựng được nữa,áthiệnkhôngphảiconruộtsaulyhônphảilàbongdaso24h tôi đệ đơn ra tòa đơn phương ly hôn. Tôi giành quyền nuôi con mà không được. Lúc đó con mới 2 tuổi nên tòa quyết định cho bé ở với mẹ để cô ấy chăm con gái tiện hơn, hàng tháng tôi chu cấp cho con 10 triệu đồng.
Từ đó đến nay tôi vẫn chu cấp đầy đủ, cuối tuần thì ghé chở con đi chơi hoặc đưa về thăm nhà nội. Mọi chuyện vẫn bình thường, cho đến một ngày, em gái tôi nói riêng rằng "con bé không giống anh, cũng chẳng giống mẹ nó".
Trước giờ tôi không để ý nhiều chuyện này, nghĩ con còn nhỏ chưa rõ hết nét mặt, sau này lớn lên sẽ giống cha mẹ. Nhưng khi em gái nói như vậy, tôi quan sát con nhiều hơn và thật sự "thấy không ổn". Cuối tuần trước, tôi đón con đi chơi như thường lệ, rồi chở đi xét nghiệm ADN. Kết quả là, bé không phải con ruột của tôi.
Tôi tìm vợ cũ hỏi cho ra lẽ thì cô ấy thừa nhận đứa bé là con của người yêu cũ. Có lần hai người gặp lại rồi qua đêm với nhau. Cô ấy biết con không phải máu mủ của tôi nhưng không dám nói.
Từ hôm đó đến nay tôi rất đau khổ. Con thì vẫn là cô ấy nuôi, nhưng tôi có cần phải chu cấp cho bé nữa không? Tôi phải làm gì bây giờ?
Độc giảMinh Quân
Luật sư tư vấn
Theo thông tin anh cung cấp, tại bản án ly hôn, tòa đã ghi nhận vợ chồng anh có một con chung, và anh là cha ruột nên có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng cho con 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay anh phát hiện cháu bé không phải là con ruột của mình.
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, "là con chung của vợ chồng". Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Như vậy, dù anh khẳng định anh không phải là cha đứa trẻ, nhưng đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên về nguyên tắc, hiện tại cháu vẫn được xác định là con chung của vợ chồng anh.
Khoản 4 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định: trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân, nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung, thì do tòa án xác định theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm b mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ (hay không phải là con của họ) thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen (ADN).
Như vậy, trước hết anh cần tiến hành giám định ADN (có văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định) để làm chứng cứ chứng minh, sau đó nộp đơn yêu cầu tòa án xác định đứa bé không phải là con của mình. Khi xét thấy đủ căn cứ và yêu cầu hợp lệ, tòa sẽ ra quyết định xác nhận đứa bé không phải con chung của vợ chồng.
Khi đứa bé không phải là con chung của vợ chồng thì anh không còn nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây được xem là tình tiết quan trọng mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, mà tòa án và các đương sự không biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, anh có thể nộp đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án ly hôn theo thủ tục tái thẩm (quy định tại khoản 1 Điều 352, khoản 1 Điều 353 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
Cụ thể, nếu vụ án ly hôn được giải quyết bởi tòa án nhân dân cấp huyện, anh có thể nộp đơn đề nghị đến Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao nơi anh cư trú (nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính). Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị nêu trên.
Kèm theo đơn đề nghị, anh phải gửi bản án ly hôn, quyết định của tòa án xác nhận đứa trẻ không phải con chung của vợ chồng (đã có hiệu lực pháp luật), kết quả giám định ADN và các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh cho yêu cầu của mình. Khi xét thấy có đủ căn cứ, tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành hủy bản án ly hôn để xét xử sơ thẩm lại, khi đó sẽ giải quyết lại về vấn đề con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng của anh.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA