Mỗi dịp giáp Tết cổ truyền, câu hỏi "về quê hay ở lại thành phố?" lại trở nên day dứt với phần nhiều người con xa xứ như chúng tôi. Dĩ nhiên, chúng ta không ai ở trong hoàn cảnh của nhau, nên thật khó để hiểu và suy xét khách quan về trường hợp của từng người. Cha ông có câu "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" phần nào vì lẽ đó.Với bản thân tôi, Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là dịp đoàn viên, tề tựu cùng người thân, bạn bè... mà còn là sợi dây cố kết văn hóa truyền thống với hiện đại, là nền tảng bồi đắp nên những tâm hồn màu mỡ, lương thiện. Tôi nghĩ, nếu mình không da diết nhớ quê, yêu quê hương thì thế hệ con tôi chắc chắn sẽ ngày càng mai một tình cảm này. Khi đó, lỗi chắc chắn phần lớn ở tôi.
Dẫu thế, như đã nói, tôi không thể khuyên ai "ở lại hay trở về?", kể cả với chính con cái tôi cũng vậy. Nhất là khi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền ngày nay quá lớn, câu hỏi ấy chẳng khác nào vết dao găm sâu vào thương tổn tâm hồn những người con xa xứ.
Tôi chỉ xin kể lại câu chuyện về một "người đàn bà cũ kỹ" giữa sáng giao mùa, để ai đó tha hương nếu đọc được, biết đâu sẽ thay đổi quyết định của mình:
"Giữa khoảng sân rộng, lởm chởm, mốc meo, lâu ngày chẳng ai qua lại, người đàn bà cố gắng kỳ cọ mấy bữa nay nhưng không ăn thua. Sức bà yếu, tiết trời mưa phùn, ẩm thấp càng khiến đám rong rêu được sức nảy nở... Người đàn bà ngồi trên chiếc ghế dài, vừa đốt xong lượt hương thứ ba, bốn gì đó cho sáng mồng Một Tết. Bên lư hương sơn đỏ, chiếc đèn dầu Hoa Kỳ chưa bao giờ tắt lửa...
Tiếng chó sủa inh ỏi, đám thanh niên từ bên ngoài ùa vào. Bà mừng rỡ như trẻ con được kẹo, khó nhọc chạy ra đón. Những cái ôm, cái vỗ vai roàn roạt. Bà chặc lưỡi 'cun ni (các cháu) to thật, nhìn khác quá'. Đám thanh niên tự mãn cười nghiêng ngả.
Bà với tay lấy chai rượu nếp dựng sẵn trên bàn. Lệ làng, ngày tết dù giàu hay nghèo nhà nào cũng phải sắm được vài ba chai rượu vui xuân.
>> 'Nghỉ Tết chín ngày vẫn còn ít'
Nhà thiếu ly. Bà lọ mọ xuống bếp tìm. Đám thanh niên nhao nhao cản lại, "uống chung được rồi bà ơi". Bà tự rót rượu, ly nào cũng đầy, kể cả ly của bà. Năm mới không ai được từ chối.
Bà uống cạn, đưa mắt nhìn kỹ mặt từng người thanh niên đến chúc Tết. Đám thanh niên nhao nhao, chẳng cần theo thứ tự đều chúc bà mạnh khỏe, sống lâu. Chưa đầy ba phút, đã nghe tiếng đám thanh niên cười hề hà ở nhà bên cạnh. Lệ làng, chúc Tết phải nhanh gọn thế.
Bà nhổm dậy đốt thêm lượt hương mới. Khói làm hai mắt bà cay xè. Bà sợ hương tắt. Như thế, ông sẽ theo lớp khói tàn bỏ bà đi mất. Bà kể ông nghe về đứa cháu nội ba tuổi, chưa một lần gặp mặt, bi bô gọi điện về chúc Tết. Bà kể ông nghe về cô con gái phương xa khoe vợ chồng nó mới giết hẳn con lợn mừng xuân. Bà kể nhiều lắm. Hết thảy đều chuyện vui. Bà dụi mắt, khói làm hai mắt bà cay xè.
Nhà bà đông con. Anh chị đều đi làm ăn xa. Có người giờ chắc đến ngõ vào nhà cũng không nhớ. Cũng chẳng trách họ được. Cuộc mưu sinh cam khổ. Lần về lần khó".
Thế mới nói, đời người, ai cũng biết chỉ có một cha, một mẹ, một quê hương. Ai cũng biết, sáng mồng Một Tết có nhiều người đàn bà khác cũng như người đàn bà kia, ngồi dụi mắt một mình. Ai cũng biết... nhưng biết mấy ai về?
">
Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền ngăn tôi về quê ăn Tết
|