Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Ảnh minh họa: N.QTheo báo cáo của cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại hội nghị chuyên đề ‘Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến’ vào ngày 31/8, 81% thủ tục hành chính đã được triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 55,5% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 43% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến toàn trình.
Cùng với những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai, nhiều mô hình, cách làm hay về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành, địa phương đã mang lại hiệu quả.
Những bộ, ngành, địa phương đã triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình có thể kể đến như các bộ Công an, Tài chính, Công Thương, GD&ĐT, LĐTB&XH, TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Tây Ninh...
Tuy đã có những mô hình thành công, song đến nay việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị có kết quả thấp, đặc biệt là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Theo Bộ TT&TT, sau giai đoạn phát triển theo chiều rộng, đã đến lúc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cần chú trọng đi vào chiều sâu, bản chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình.
Trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương ngày 14/10, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh quyết liệt triển khai các giải pháp để phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu cần đạt là đến hết năm 2024 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70% với bộ, ngành và 30% với địa phương; mục tiêu đến hết năm 2025 đưa tỷ lệ này đạt 85% với bộ, ngành và 70% với địa phương.
Với quan điểm hướng dẫn ‘cầm tay chỉ việc’, trên cơ sở tổng kết các bài học kinh nghiệm và kinh nghiệm triển khai của một số bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đã xây dựng ‘Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến’ để các bộ, ngành, địa phương thuận lợi hơn trong việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
‘Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến’ hướng dẫn các bộ, tỉnh thực hiện 7 nội dung chính gồm: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; đào tạo nhân lực số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.
Đặc biệt, với từng nội dung, Bộ TT&TT đều hướng dẫn chi tiết các việc cần làm cũng như thời hạn cần hoàn thành.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong việc quyết tâm, quyết liệt để phổ cập thành công dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Bộ TT&TT tin tưởng rằng thời gian tới, với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị cùng sự mong mỏi của người dân, công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số nói riêng và công cuộc chuyển đổi số nói chung của Việt Nam sẽ có những bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
6 bài học khi làm dịch vụ công trực tuyếnĐặt mục tiêu đúng, người đứng đầu đóng vai trò quyết định, môi trường số phải dùng quy trình số, mobile hoá, các chính sách và sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền đến từng người dân, là 6 bài học quan trọng khi làm dịch vụ công trực tuyến.">