"Những năm trước đây VFF bán vé theo cách xếp hàng nhưng năm nay họ lại bán 100% qua mạng. Nhóm chúng tôi trước đây đi xếp hàng còn mua được vé. Giờ đổi qua bán online cả nhóm chẳng ai mua được gì. Nhiều nhóm khác cũng gặp tình trạng tương tự", Hải Vy, người hâm mộ bóng đá tại Hà Nội chia sẻ.
Trang web bán vé online của VFF cho thấy nhiều bất cập trong ngày mở bán vé trận bán kết Việt Nam - Philippines. |
Việc mua vé được thực hiện khá khó khăn do hệ thống liên tục quá tải. "Tôi đăng nhập vào trang bán vé của VFF vài phút trước khi mở bán. Đến giờ bán, tôi không thể truy cập vào trang chọn và mua vé ngay lần đầu tiên. Đến bước thanh toán, trang không thể tải và báo mất kết nối máy chủ. Tôi đặt lại thì hệ thống báo khách hàng đã mua không thể mua thêm", Đỗ Cao Bảo, Phó Giám đốc một công ty công nghệ ở Hà Nội nói với Zing.vnsau nhiều nỗ lực nhưng không mua được vé.
Theo ông Bảo, mua vé online trên hệ thống còn nhiều điểm yếu, người dùng không mua được vé lại còn mất luôn cơ hội được mua vé do thông tin đã được VFF lưu lại.
Đúng 10 giờ sáng ngày 28/11, trang bán vé của VFF đón 130.000 lượt truy cập. Những giờ tiếp theo, trang này chịu từ 45.000-50.000 lượt truy cập. Đây là con số không hề nhỏ, đủ để khiến nhiều website ở Việt Nam quá tải.
Theo VFF, con số này cao gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu.
"Việc tắc nghẽn hệ thống trong ngày đầu mở bán cũng từng xảy ở liveshow Hà Anh Tuấn trên Ticketbox, nền tảng chuyên bán vé lớn nhất hiện nay. Với một trận cầu kinh điển thì VFF có thể lường trước được lượng truy cập của người dùng để chuẩn bị trước khi hệ thống quá tải như sáng 28/11", ông Thái Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực e-commerce, từng cung cấp nền tảng cho một số chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam, cho biết.
Theo ông Sơn, VFF có lượng người truy cập mua vé rất lớn tuy vậy không thường xuyên. Vì vậy giải pháp đầu tư thêm server khá lãng phí. "VFF không nên tự bán vé mà nên phân phối qua một kênh trung gian", ông Sơn nói.
Vừa mở bán, trang web của VFF đã tê liệt. |
Cùng quan điểm đó, có ý kiến cho rằng VFF nên minh bạch bán vé bằng cách kết hợp với các sàn điện tử và công bố số vé đã bán ra để mọi người tiện theo dõi.
“Tiki, Lazada, Sendo, Adayroi... qua mỗi đợt BlackFriday họ đón rất nhiều lượt request nhưng vẫn xử lý tốt. Ngoài ra họ còn có hệ thống phân phối, chăm sóc khách hàng tốt hơn cách VFF đang làm. Bên cạnh đó, phân phối qua kênh thứ ba đảm bảo được tính minh bạch và khách quan”, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade cho biết.
Cũng theo ông Thái Sơn, để làm ra trang web sơ sài kiểu của VFF, chủ website chỉ cần bỏ ra chưa tới 20 triệu đồng, bao gồm cả chi phí tên miền, hosting.
Theo thông tin từ VFF, dự kiến sẽ có 25.000 vé được bán online, nhưng ở thời điểm này chưa thể xác định đã bao nhiêu vé được bán ra. Có người may mắn mua được vé, nhưng không ít người hâm mộ 'trắng tay" dù thử nhiều cách.
"Tôi chuẩn bị thông tin thanh toán, địa chỉ... kỹ trước giờ mở bán. Đến giờ, tôi chỉ nhanh tay bấm chọn và thanh toán nên đã mau được hai cặp vé. Có lẽ là tôi may mắn bởi một số người bạn của tôi cũng làm vậy nhưng không mua được", Trung Kiên 25 tuổi ngụ Thái Nguyên chia sẻ.
Tuy vậy theo anh Kiên, dù mua được vé nhưng anh vẫn cảm thấy không quá hào hứng với cách mua này bởi nó khiến người hâm mộ phải luôn canh chừng. Bên cạnh đó giao diện trang bán vé của VFF được anh Kiên nhìn nhận là quá sơ sài.
"Tôi cảm thấy thất vọng với của website VFF. Nó gần như không được đầu tư gì về mặt thiết kế. Trang bán vé thể hiện sự chấp vá giữa các khối vuông, ghi đè bởi các dòng chữ cẩu thả. Màu sắc và hình ảnh thì không cần phải nói, tất cả đều mờ nhạt và vô nghĩa, không mang được bất kì tinh thần thể thao của giải đấu. Tôi chẳng hiểu sao VFF đầu tư một sản phẩm qua loa như thế này", ông Âu Lộc, một chuyên viên về Web UX chia sẻ.
Trước ngày mở bán chính thức, VFF công bố đối tác phát hành vé là GMO-Z.com Runsystem - thành viên của Tập đoàn GMO Internet. Theo VFF, GMO Internet là tập đoàn công nghệ mạng số một Nhật Bản. "Đơn vị này cam kết với VFF sẽ vận hành hệ thống bán vé online ổn định để phục vụ người hâm mộ truy cập vào các trang bán vé", VFF viết trên trang Facebook chính thức. Tuy vậy, việc website bán vé không hoạt động tốt đã gây ra hiệu ứng tiêu cực từ người hâm mộ.
GMO-Z.com Runsystem thành lập năm 2005 (tiền thân là Công ty RUNSYSTEM) do ông Ngô Văn Tẩu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành là người đại diện pháp luật. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản.
Trên website, doanh nghiệp này tự giới thiệu là công ty thuộc Tập đoàn GMO Internet Nhật Bản, tập đoàn gồm 89 công ty thành viên và có cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Tokyo. Doanh nghiệp này đang đăng ký tên miền, web-hosting, chứng thư số (SSL)… tại Việt Nam thông qua 2 thương hiệu chính là Z.com và Tenten.vn.
Chiều 28/11, người viết tìm kiếm với từ khóa “buy aff tickets” và được Google trả lại rất nhiều kết quả. Kết quả trên cùng là của ViaGoGo, một trang web chuyên bán vé các sự kiện thể thao, ca nhạc.
Trên trang web này, vé trận đấu bán kết lượt đi giữa Thái Lan và Malaysia đã được bán hết. Tuy nhiên vé trận lượt về vẫn còn, có thể đặt mua trực tuyến. Trang web liệt kê khá rõ ràng quy mô sân vận động, các hạng vé còn lại cũng như mô tả vị trí của từng hạng vé.
Trang web mô tả rõ những hạng vé còn lại và vị trí của ghế ngồi bên trong sân vận động. Thông tin trực quan và chi tiết. Sau khi chọn mua, bạn cần thanh toán và chọn địa chỉ, phương thức giao hàng. Vé có thể được gửi về Việt Nam với chi phí cao. |
Giá vé ở các khán đài Tây và Đông (dọc đường pitch) dao động từ 36-48 USD. Giống nhiều trang web bán vé khoá học online hay đặt khách sạn, những thông báo kiểu “chỉ còn 1 vé” hay “14 người đang xem vé tương tự” liên tục hiện lên nhằm khiến người mua nhanh chóng quyết định.
Đến khi người mua chọn xong vé, trang này tiếp tục hiện thông báo người mua chỉ có 7,5 phút để hoàn thành thanh toán, nếu không vé đang đặt sẽ bị huỷ.
Trải nghiệm nhanh cho thấy trang web bán vé này hoạt động tốt, các bước từ chọn vé, mua đến thanh toán đều rõ ràng, dễ hiểu. Vé đặt xong sẽ được chuyển trực tiếp đến địa chỉ của người mua.
Tất nhiên, chi phí để chuyển vé về Việt Nam không hề rẻ. Giá vé mà người viết chọn chỉ là 36 USD, nhưng phí chuyển về Việt Nam lên tới 40 USD. Tuy nhiên, xét về quy trình, tốc độ và trải nghiệm mua vé, trang này hơn hẳn website của VFF.
" alt=""/>Website bán vé kiểu của VFF giá chưa tới 20 triệu đồng