|
Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TMĐT sẽ được cơ quan thuế tập trung thanh tra, kiểm tra. Ảnh: ShutterStock. |
Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho rằng đang tồn tại tình trạng người bán hàng trên các nền tảng sử dụng nhiều chiêu trò để trốn thuế.
Nhận thấy tình trạng trên có xu hướng phát triển phức tạp, bên cạnh việc đẩy mạnh đối thoại và tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nộp thuế, ngành thuế đang tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế.
Tra dòng tiền bán hàng của shop online
Hiện tại, Tổng cục Thuế cho biết đã phối hợp với các sàn TMĐT trong nước và nước ngoài để tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đảm bảo người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ theo hình thức điện tử.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế cũng sẽ triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đối với các chủ sở hữu sàn TMĐT, Tổng cục Thuế sẽ đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của đối tượng này, yêu cầu có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tổng cục Thuế tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT từ nhiều nguồn, đồng thời xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT dựa trên công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI).
Cơ quan thuế cũng đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào đối tượng là các công ty sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán...
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng liên quan để thực hiện quản lý đối với các tổ chức, cá nhân này, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.
Nếu phát hiện trường hợp tổ chức, cá nhân có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế, sẽ thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu thập dữ liệu dòng tiền giao dịch qua các tài khoản của các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix...; thông tin cá nhân, nội dung và số tiền giao dịch của các tài khoản cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đủ chiêu trò lách thuế
Qua thực tế công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Tổng cục Thuế cho biết tình trạng các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua các hành vi gian lận khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế theo phương pháp "tự kê khai, tự nộp". Để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế, trang thông tin điện tử đã có chuyên mục riêng hỗ trợ nhóm này thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã là môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh TMĐT phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất "ẩn danh" rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội.
Điển hình, một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội. Họ hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như "cho vay", "trả nợ", "quà tặng"...; còn người bán hàng trực tiếp thì yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản.
Ngoài ra, người kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội còn khá nhiều phương cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình TMĐT và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ... để có căn cứ tính thuế.
Do đó, việc phải tìm hiểu từ hạ tầng thanh toán, vận chuyển, giao nhận đều thay đổi để đáp ứng các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này như mô hình bán hàng không cần lưu trữ hàng hóa; in theo yêu cầu (bán thiết kế theo yêu cầu); tiếp thị liên kết (giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng mới thông qua gửi link)... là điều cần thiết và phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có liên quan.